NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 HÀN PHI TỬ (P1)

Go down 
Tác giảThông điệp
hoangan_tlgd




Tổng số bài gửi : 9
Join date : 04/05/2010
Age : 33
Đến từ : Long An

HÀN PHI TỬ (P1) Empty
Bài gửiTiêu đề: HÀN PHI TỬ (P1)   HÀN PHI TỬ (P1) Icon_minitimeFri Jun 03, 2011 1:29 am

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA TÂM LÝ – GIÁO DỤC
  


BỘ MÔN: LỊCH SỬ GIÁO DỤC THẾ GIỚI
Tên đề bài
HỌC THUYẾT PHÁP TRỊ CỦA HÀN PHI TỬ




TP. HỒ CHÍ MINH, NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2011





A.LỜI MỞ ĐẦU
Giáo dục là một quá trình luôn vận động và phát triển, nhất là vào thời đại ngày nay khi chạm ngõ thế kỷ XXI. Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng đi lên của xã hội, chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại hơn và trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của đất nước thời mở cửa, ngành giáo dục phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Ở Việt Nam, quá trình tri thức hoá là nhiệm vụ tất yếu khách quan của ngành giáo dục, nó đặt ra không ít khó khăn và thách thức mới cho những nhà sư phạm.
Giữa sự phát triển xã hội và giáo dục có mối quan hệ khắng khít, thống nhất biện chứng. Hơn nữa, sự phát triển của giáo dục luôn mang tính kế thừa. Chưa kể, động lực của sự phát triển xã hội nói chung không chỉ là những mâu thuẫn của mối quan hệ biện chứng giữa xã hội – con người – giáo dục với tư cách con người là chủ thể của sự vận động không ngừng đó.
Chính vì thế, ta không thể bỏ qua những tư tưởng, kinh nghiệm, lý luận giáo dục của cá thời kỳ, của các nhà giáo dục lỗi lạc như Comensky, Lê-nin, Khổng Tử,..
Có thể nói rằng, tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử là một tư tưởng vang bóng một thời. Tư tưởng ấy, đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm và được áp dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau và cũng ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Chúng ta là thế hệ những nhà sư phạm tương lai thì nên tìm hiểu kỹ tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử xem như thế nào mà vang bóng đến cả thời điểm bây giờ và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế.
Nên em quyết định chọn Hàn Phi Tử để làm đề tài nghiên cứu để báo cáo cho thầy. Do tư liệu còn hạn chế, ít người đề cập hay quan tâm đến vấn đề này. Đề tài khá rộng người viết chưa đủ khả năng khái quát hoặc đưa ra nhận xét hợp lý khi kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Mặt khác do thời gian gấp rút đã làm cho người viết lúng túng khi trong nhận định phân giải. Vượt qua khó khăn, người viết quyết tâm theo đuổi đề tài này, những mong có thể góp một phần nhỏ của mình vào việc nghiên cứu.
Xin chân thành cảm ơn!


B.NỘI DUNG
I.Hoàn cảnh lịch sử và cuộc đời của Hàn Phi Tử
1.Hoàn cảnh lịch sử
Lịch sử trung hoa cổ đại có hai thời kỳ được nói đến đó là Xuân thu và Chiến quốc. Thời Xuân thu là thời kỳ suy tàn của nhà Chu, đây chính là thời kỳ sinh sống của Lão tử, Khổng tử. Thời Chiến quốc (403-221 TCN) từ gần cuối đời Chu Uy Liệt Vương [ ], tới khi nhà Tần diệt nhà Tề thống nhất đất nước, đó là thời kỳ sinh sống của Hàn Phi Tử (280-233 TCN).
Tuy nhiên so với thời Xuân thu thì Chiến quốc loạn lạc bất ổn định hơn về chính trị nhưng lại phát triển hơn về kinh tế. Trong thời Xuân thu, công cụ sản xuất và khí giới chủ yếu là bằng đồng. Đây là thời kỳ đạo đức suy đồi, người ta chỉ mọi cách để tranh lợi, quan lại tham nhũng, ăn chơi xa hoa truỵ lạc, chiến tranh kéo dài liên miên khiến cho đời sống của nhân dân càng thêm đói khổ, cùng cực. Trước tình cảnh xã hội như vậy, tầng lớp quý tộc và tầng lớp trí thức có sự chia rẽ về tư tưởng.
Trong sự phát triển phong phú và sôi động của trào lưu tư tưởng “Bách gia chư tử” ở Trung Hoa thời kỳ cổ đại, học thuyết pháp trị xuất hiện trên vũ đài chính trị như là đại biểu đến sau cùng nhưng đã nhanh chóng được đón nhận, trở thành vũ khí lý luận sắc bén của nhà Tần trong việc quyết định cục diện hỗn loạn và thống nhất Trung quốc. Muộn màng nhưng bắt kịp yêu cầu lịch sử, nhanh chóng chiếm lĩnh vũ đài chính trị và cũng sớm ra đi cùng với sụp đổ của nhà Tần; như tia chớp loé sáng trong cơn giông, tuy ngắn ngủi nhưng tư tưởng pháp trị đã khắc đậm dấu ấn vào lịch sử.
Là học thuyết đạt đến đỉnh cao tư tưởng chính trị - pháp lý thời cổ đại, học thuyết pháp trị góp phần tô điểm thêm những giá trị tư tưởng đặc sắc phương Đông trong kho tàng chung của nhân loại và đang tiếp tục khẳng định những ý nghĩa tích cực của nó với thực tiễn đương đại hôm nay. Với ý nghĩa đó, việc tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp trị sẽ góp phần nhận diện đầy đủ hơn về học thuyết này.

2.Cuộc đời của Hàn Phi Tử
Hàn Phi (khoảng 280 – 233 TCN) là triết gia thời Chiến Quốc, người tập hợp các học thuyết pháp gia và là nhà tản văn nổi tiếng trong thời Chiến quốc Trung Quốc (475 - 221 TCN). Ông thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn được gọi là "công tử", thích cái học "hình danh” , là tư tưởng gia cuối cùng của thời Tiên Tần.
Tuy có theo học đạo Nho dưới môn Tuân Tử [ ] cùng Lý Tư [ ], nhưng lại có tư tưởng khác biệt với thầy. Tuân Tử chú trọng về việc giáo hóa Lễ Nghĩa, còn Hàn Phi cùng Lý Tư thì nặng về pháp chế và quyền thuật, đi theo con đường hoàn toàn trái ngược với đạo Nho. Hàn Phi từng bảo: "Ngô ái ngô sư, ngô bưu ái chân lý". (Ta mến thầy ta, nhưng ta càng chuộng chân lý hơn).
Ông có giọng nói ngọng, không có sở trường hùng biện nhưng lại rất giỏi viết lách. Lúc đó, nước Hàn ngày càng suy yếu, do yêu nước ông nhiều lần gửi sớ cho vua nước Hàn, kiến nghị biến pháp, chủ trương người thống trị cần phải lấy nước giàu binh mạnh làm nhiệm vụ trọng tâm; nhưng nhà vua không tiếp nhận kiến nghị của ông. Bởi vậy, ông mới viết các bài luận văn chính trị hơn mười vạn chữ như “nội ngoại trư thuyết”, “thuyết lâm”, “thuyết nan”... Căn cứ theo những kinh nghiệm quản lý đất nước trong lịch sử và tình hình xã hội hiện thực, và gọi chung là sách “Hàn Phi Tử”. Sách Hàn Phi Tử, tác phẩm chủ yếu của Hàn Phi Tử là cuốn sách tập trung các học thuyết luật học trước Tần. Lúc bấy giờ giới tư tưởng ở Trung Quốc lấy Nho giáo và Mạc gia làm đại diện, tôn sùng “Pháp tiên vương” và “Phục cổ”, học thuyết của Hàn Phi Tử kiên quyết phản đối phục cổ, chủ trương căn cứ theo tình hình thực tế.
Hàn Phi Tử công kích học thuyết nho giáo “Nhân ái”, chủ tương pháp trị, đề xuất 4 chính sách trọng thưởng, trọng phạt, trọng nông và trọng chiến.
Hàn Phi Tử đề xướng quyền quân thần thụ, sau nhà Tần, các ách thống trị cực quyền chủ nghĩa chuyên chế phong kiến các triều đại ở Trung Quốc được thành lập là có ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết Hàn Phi Tử.
Các bài viết của Hàn Phi Tử phân tích rất sắc bén. Chẳng hạn như khi phân tích về những điều mà nhà nước có thể diệt vong ông đã nêu ra tới 47 điều, quả là điều hiếm có. Còn hai chương có tiêu đề “Nan ngôn”, “thuyết nan”, ông đã phân tích một cách cặn kẽ tâm lý con người cũng như né tránh những điều gây phật ý. Hàn Phi Tử còn vận dụng rất nhiều câu chuyện Ngụ ngôn và kiến thức lịch sử phong phú để làm tư liệu luận chứng, nói lên đạo lý trìu tượng, thể hiện một cách hình tượng tư tưởng luật học và những nhận biết sâu sắc của ông đối với xã hội. Trong các bài viết của ông có rất nhiều mẩu chuyện ngụ ngôn, do nội hàm phong phú, sinh động đã trở thành những “điển tích” truyền miệng của mọi người, đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi.
Hàn Phi viết rất nhiều sách và đã nhiều lần dâng kiến nghị lên vua Hàn, nhưng chẳng được trọng dụng. Ông nhận thấy vua Hàn “không sửa đổi làm rõ pháp chế” (bất vụ tu minh kỳ pháp chế), từ đó tạo nên tình trạng “các nhà Nho dùng văn làm rối loạn pháp luật, bọn hiệp sĩ dùng võ phạm vào điều cấm” (Nho giả dụng văn loạn pháp, nhi hiệp giả dĩ võ phạm cấm. Sử ký. Lão Trang Thân Hàn liệt truyện).
Khi tác phẩm của Hàn Phi truyền sang nước Tần, lúc vua Tần tức Tần Thủy Hoàng [ ] đọc tới hai thiên "Cô phẩn" và "Ngũ xuẩn", thấy rất hạp với ý tưởng của mình, đã thán phục rằng: "Chao ôi, nếu trẫm mà có duyên gặp được người này, thì có chết cũng chẳng còn ân hận ".
Theo Sử ký ghi nhận, suốt đời Hàn Phi Tử chỉ được có một dịp duy nhất, để thi thố tài nghệ, là đi sứ sang Tần.
Nguyên do là vì Tần vây đánh nước Hàn, vua Hàn cả kinh, liền cử Hàn Phi làm sứ giả, sang gặp vua Tần xin hòa giải. Kịp đến Tần, Hàn Phi đệ quốc thư lên Tần Thủy Hoàng, đại ý nói rằng: "Nước bất kính phục vua Tần là Triệu, vậy Tần chớ nên đánh Hàn, đáng lý nên liên minh với Hàn, cùng nhau phạt Triệu mới đúng".
Đương thời, Lý Tư - bạn học của Hàn Phi là tể tướng của nước Tần, không đồng ý với quan điểm đó, cho rằng mục đích chân chính của Hàn Phi Tử, chẳng qua là nhằm bảo tồn nước Hàn đó thôi, nào có chủ ý làm lợi cho Tần. Chẳng hiểu vì lẽ nào, đã không thuyết phục được vua Tần thì thôi, Hàn Phi Tử lại cứ nấn ná mãi bên Tần Thủy Hoàng, không về nước ngay. Có lẽ bởi cử chỉ quái gở đó, khiến cho Lý Tư nghi, e Hàn Phi ở lâu, rồi sẽ được vua Tần Thủy Hoàng trọng dụng, thay cho địa vị của mình, nên đã bất chấp tín nghĩa bạn học với nhau, ngầm thông đồng với Diêu Giả hãm hại Hàn Phi, kết thúc cuộc đời bi thống vào năm 233 Trước công nguyên, chưa đầy năm mươi tuổi. Trớ trêu thay, những bậc tiền bối của Pháp gia, là Ngô Khởi và Thương Quân, đều có công lớn với triều đình, thế mà cũng chết bất đác kỳ tử. Ngô Khởi bị phân thây, Thương Quân bị xe cán xác, Hàn Phi thì bị bạn học bức tử nơi xứ người.
Ông đã sáng lập ra học thuyết pháp trị, trở thành cơ sở lý luận cho sự ra đời của nhà nước chế độ tập quyền trung ương chuyên chế thống nhất đầu tiên ở Trung Quốc.
Trên lịch sử Trung Quốc, Hàn Phi là một triết gia bị ngộ nhận nhiều nhất, bởi tư tưởng của Người, chỗ nào cũng trái ngược với đạo Nho, một học phái đã giành được địa vị chính thống, kể từ đời Đường, Tống trở đi. Do đó, học thuyết của Hàn Phi, thậm chí bị coi như tà thuyết, dị đoan.

II.Nguyên nhân ra đời của học thuyết Pháp trị
Cũng như các học thuyết khác trong trào lưu “Bách gia chư tử”, học thuyết pháp trị ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của thời cổ đại với sự tồn tại chế độ nhà Chu. Đây là chế độ Chiếm hữu nô lệ (CHNL) điển hình của phương Đông với những đặc điểm cơ bản như sau:
1.Về Kinh tế:
Dưới thời nhà Chu, do thực hiện chính sách Phân phong nên tất cả ruộng đất đều thuộc quyền quản lý của quý tộc, tầng lớp thứ dân về cơ bản là không có ruộng đất. Vì vậy, để thiết lập quan hệ sản xuất, nhà Chu đã thi hành rộng rãi chế độ Tỉnh điền. Theo chế độ này, ruộng đất được chia làm hai loại công điền và tư điền. Người nông dân phải cùng nhau cày cấy và nộp sản phẩm ở công điền cho các quý tộc sau đó mới được canh tác ở phần ruộng được chia. Như vậy, người nông dân lĩnh đất canh tác nhưng không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng ruộng đất. Chế độ Tỉnh điền đã cho thấy tính chất nhị nguyên cố hữu của quan hệ sản xuất CHNL ở phương Đông - tức là sự tồn tại song song của công điền với tư điền trong công xã.

2.Về Chính trị
Bắt tay xây dựng nền thống trị của mình, nhà Chu đã thiết lập trật tự xã hội theo kiểu Tông pháp (hay Lễ chế, do Chu công sắp đặt). Theo tinh thần của Tông pháp, Chu Thiên tử là người đứng đầu, thay trời trị dân, đóng vai trò Tông chủ, các nước chư hầu do thiên tử lập ra gọi là Tông quốc (cùng một tổ tiên chung). Bộ máy thống trị được tổ chức và điều hành theo nguyên tắc thân thân tôn tôn (thương yêu người thân, tôn quý người trên). Thực chất “Tông pháp là chế độ thống trị dựa trên cơ sở huyết thống của một dòng họ” . Đây là nét đặc thù của chế độ chính trị nhà Chu, biểu hiện của tàn dư chế độ thị tộc còn lưu truyền dưới chế độ CHNL, nói lên tính chất bảo thủ và lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội của phương Đông.

Dựa trên chế độ Tông pháp, nhà Chu đã thiết lập và củng cố nền thống trị của mình qua nhiều thế kỷ và đã đưa chế độ CHNL lên đến đỉnh cao ở thời kỳ Tây Chu. Nhưng từ năm 770 TCN, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhà Chu phải dời đô sang đất Lạc ấp ở phía Đông. Từ đó, nhà Chu suy yếu dần và không còn ước thúc được các nước chư hầu nữa. Nhân cơ hội này, các nước chư hầu đều mượn danh nghĩa “tôn vương” (tôn phò nhà Chu) để động binh thôn tính các nước khác và giành quyền bá chủ. Chế độ Tông pháp - cơ sở tổ chức xã hội của nhà Chu bị phá vỡ và Trung quốc bước vào thời kỳ khủng hoảng xã hội ngày càng trầm trọng là thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc. Chiến tranh giữa các nước chư hầu kéo dài liên tục suốt hơn 5 thế kỷ, từ cục diện Ngũ bá [ ] thời Xuân thu (Tề, Tấn, Sở, Tần, Tống) đến Thất hùng[ ] thời Chiến quốc (Yên, Tề, Triệu, Nguỵ, Hàn, Tần, Sở). Đây là thời kỳ mà xã hội Trung quốc trải qua những biến động rất lớn lao mà nguyên nhân sâu xa của nó là do sự phát triển mạnh mẽ các yếu tố của lực lượng sản xuất: khoa học kỹ thuật đạt nhiều thành tựu to lớn, kinh nghiệm sản xuất được tích luỹ lâu đời, sự cần cù chịu khó của nhân dân…đặc biệt, với sự ra đời của đồ Sắt đã tạo ra bước nhảy vọt của công cụ sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất trở nên mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất thống trị ban đầu. Và sự tan rã của chế độ Phân phong, Tỉnh điền, Tông pháp là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn đó; đồng thời những mâu thuẫn về kinh tế được biểu hiện về mặt xã hội thành mâu thuẫn giữa một bên là các tập đoàn thống trị với một bên là tầng lớp địa chủ mới lên và giai cấp quý tộc chủ nô đã suy tàn, là nguyên nhân của những tình trạng cát cứ, tiếm ngôi việt vị, tranh giành bá chủ và khủng hoảng xã hội triền miên. Những biến động của xã hội Trung hoa cổ đại được bắt nguồn từ những nguyên nhân bên trong của nó và thực chất của những biến động ấy là bước chuyển từ hình thái xã hội nô lệ suy tàn và phong kiến sơ kỳ sang hình thái xã hội phong kiến tập quyền đang trong quá trình xác lập.

Trong bối cảnh xã hội giao thời, những giá trị chuẩn mực cũ bị băng hoại, những chuẩn mực mới chưa định hình cho nên trật tự lễ nghĩa bị phá bỏ, cương thường xã hội bị đảo lộn. Các hiện tượng vượt chức phận, tiếm tước vị, tôi giết vua, con giết cha, anh em giết nhau.. trở nên phổ biến tạo ra sự hỗn loạn chưa từng có. Bức tranh toàn cảnh của xã hội Trung quốc ở giai đoạn này là sự khủng hoảng về chính trị xã hội và đạo đức luân lý hết sức sâu sắc. Do tác động của những biến đổi kinh tế - xã hội, một bộ phận quý tộc cũ bị sa sút mất địa vị, họ không còn được làm quan lại mà đi làm thầy trong thiên hạ. Một cách không tự giác, họ đóng vai trò tích cực trong việc chuyển tải văn hoá quan phương (chỉ dành cho giới quý tộc trước đây) xuống tầng lớp bình dân. Từ phong trào này, xuất hiện tầng lớp kẻ sỹ cùng với một trào lưu học thuật và tự do tư tưởng rộng rãi - những tiền đề nảy sinh một loạt các đại biểu và các trường phái tư tưởng chính trị đại diện cho lợi ích của các tầng lớp giai cấp xã hội khác nhau như : Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử với các học thuyết Lão gia, Nho gia, Mặc gia, Pháp gia…

Hiện thực xã hội nóng bỏng đương thời đã đặt ra những yêu cầu trực tiếp đối với các học thuyết phải quan tâm lý giải và đề xuất những giải pháp để vãn hồi trật tự. Xuất phát từ quan niệm nền tảng về “Đạo”, Lão Tử cho rằng xã hội loạn là do con người vi phạm qui luật tự nhiên, nên ông chủ trương “vô vi nhi trị”, khuyên mọi người từ bỏ mọi thành quả văn minh và chạy trốn vào tự nhiên, thoát ly thực tế. Trang Tử - học trò của ông lại muốn đi về một nẻo xa hơn, bi quan yếm thế gần như thoát tục, chỉ còn mong được “làm con rùa để lết cái đuôi trong bùn”. Theo Khổng Tử, xã hội loạn là do Lễ chế nhà Chu bị buông lỏng nên ông chủ trương khôi phục Lễ, đề xuất chủ trương Đức trị. Làm quan ở nước Lỗ trong vài tháng, còn lại suốt cuộc đời ông đi qua đi lại khắp hơn mười nước để truyền bá chủ trương của mình nhưng chẳng có ai nghe, hơn 50 tuổi ông về quê dạy học cho đến đến cuối đời… Gần 200 năm sau, trong khi chiến tranh loạn lạc bên ngoài xã hội vẫn diễn ra gay gắt, Mạnh Tử tiếp tục tư tưởng của thầy. Nhiệt tình say mê với lý tưởng, ông cũng không tiếc sức khuyên răn các bậc cầm quyền đi theo con đường Vương đạo. Khi sang nước Tề, được Tề Tuyên vương đón tiếp và hỏi: “Thầy chẳng quản đường xa đến đây, chắc sẽ dạy cho quả nhân được điều gì có lợi ? Mạnh Tử đáp rằng: Bệ hạ hà tất phải nói đến lợi, chỉ nên bàn về nhân nghĩa mà thôi” . Nước Đằng nhỏ bé, yếu đuối luôn bị nước Tần bên cạnh uy hiếp, gặp được Mạnh Tử sang truyền bá Vương đạo, vua Đằng mừng rỡ hỏi thầy có cao kế gì giúp nước này đang lúc nguy nan, Mạnh Tử chỉ biết khuyên nhà Đằng hãy lấy Đức thu phục lòng dân, để vua tôi đồng lòng chống đỡ, còn trường hợp không chóng nổi địch thì đành … bỏ đi nơi khác! Là người đề xuất chủ trương Kiêm ái, kêu gọi xây dựng xã hội trên cơ sở tình thương không phân biệt giai cấp, Mặc Tử cùng với hàng ngàn đệ tử bôn ba truyền thuyết một thời, song cuối cùng chẳng được ai trọng dụng. Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử … đều là những nhà tư tưởng lớn, nhiệt tình lo toan cứu đời, không tiếc thời gian và sức lực, đã mỏi trán chồn chân truyền bá chủ trương nhưng đều thất bại. Khổng Tử đứng trên lập trường của giai cấp quý tộc cấp tiến, lập trường của Lão Tử thuộc về giai cấp quý tộc cũ đã suy tàn, Mặc Tử đại diện cho tầng lớp lao động bình dân… tất cả đều là những giai cấp đã hết hay không giữ vai trò lịch sử tiên phong. Lịch sử đã tiến lên phía trước nhưng các ông lại muốn quay về với quá khứ; trong khi mọi người cho rằng sức mạnh là chân lý thì các vị lại kêu gọi đạo đức và tình thương, cho nên học thuyết của các ông đều mang tính không tưởng và không đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc.Và sự bế tắc của lý luận chính là một nguyên nhân kéo dài và làm sâu sắc thêm khủng hoảng xã hội đương thời.
Trong khi đó, chiến tranh giữa các nước chư hầu vẫn diễn ra triền miên với qui mô và sự khốc liệt ngày càng tăng, xã hội ngày càng rối ren điên đảo, cuộc sống của người dân ngày một cơ cực lầm than. Thống nhất Trung Quốc, chấm dứt chiến tranh đã trở thành yêu cầu bức thiết của lịch sử. Vào lúc tình hình đen tối đó, học thuyết pháp trị đã xuất hiện trên vũ đài lịch sử, đề xuất chủ trương chính trị lấy pháp luật làm công cụ chủ yếu. Các nhà pháp trị đã phê phán gay gắt xã hội đương thời và họ cho rằng đặc điểm của thời đại lúc đó là thời kỳ tranh đua sức mạnh, do đó không thể trông chờ đạo đức và tình thương để lập lại trật tự xã hội mà phải dùng công cụ bạo lực để chấm dứt sự hoành hành của bạo lực đã nhanh chóng khai thông bế tắc xã hội và trở thành ngọn cờ tư tưởng để nhà Tần thực hiện thành công sự nghiệp thống nhất Trung Quốc.

III.Tìm hiểu học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử
Cũng như tất cả những học thuyết tư tưởng khác, học thuyết pháp trị được nảy mầm từ chính hiện thực của đời sống xã hội và phải qua quá trình phát triển lâu dài của những nấc thang tư tưởng từ thấp đến cao, từ những tiền đề đơn giản đầu tiên để trở thành một học thuyết hoàn chỉnh.
Không chấp nhận cách cai trị bằng Lễ đã thành truyền thống của nhà Chu, những chủ trương đề cao vai trò của pháp luật trong cai trị của Quản Trọng và Tử Sản (những chính khách của nước Tề và Trịnh thời Xuân thu) được xem như sự khởi đầu của đường lối pháp trị. Tuy nhiên họ mới chỉ chú ý đến yếu tố pháp luật, chủ trương dùng pháp luật thay cho lễ nghĩa nhưng chưa thực sự đoạn tuyệt với đạo đức. Sang thời Chiến quốc, tư tưởng pháp trị đạt được bước phát triển mới: những người theo tư tưởng pháp trị đã trỏ thành trường phái pháp gia với ba học phái riêng rẽ là: Thuật (của Thân bất Hại), Thế (của Thận Đáo) và Pháp (của Thương ưởng). Họ không chỉ chủ trương dùng pháp luật để cai trị mà còn kết hợp với những phương tiện khác để trị nước. Đồng thời, trong tư tưởng của các pháp gia, chính trị đã thực sự ly khai với đạo đức.

Ông xuất thân từ giới quý tộc nước Hàn, đã nhiều lần dâng kế sách trị nước lên vua Hàn song chưa từng được sử dụng. Hàn Phi Tử là người tập đại thành tư tưởng Pháp gia.
Ông đã tiếp thu điểm ưu trội của ba trường pháp “pháp”, “thuật”, “thế” để xây dựng và phát triển một hệ thống lý luận pháp trị tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ so với đương thời.

1.Quan niệm về “Thuật” của Thân Bất Hại
Thân Bất Hại (401- 337 TCN) là người đất Kinh, một người tôi tầm thường ngày xưa của nước Trịnh, ông học " thuật " để cầu lộc với Hàn Chiêu Hầu.
Chiêu Hầu dùng ông làm tướng quốc, bên trong sửa đổi chánh trị, giáo dục : bên ngoài ứng phó với chư hầu suốt 15 năm ; trọn đời của Thân Tử, ông làm cho quốc trị, binh cường, không ai xâm phạm nước Hàn cả.
Cái học của Thân Tử, gốc ở Hoàng Lão, mà chỉ là “hình danh”, viết sách gồm 2 thiên, đề là Thân Tử.
Thừa tướng của nước Hàn dưới thời Hàn Chiêu Hầu. Là người chủ trương dùng pháp luật để cai trị thay cho Lễ, nhưng đồng thời ông cũng đề cao Thuật cai trị (gồm có Thuật trừ gian và Thuật dùng người). Mục đích của Thuật nói chung là để đảm bảo cho pháp luật của nhà vua được thi hành đúng đắn.
Ông đề cao “thuật” trong quản lý, là phương pháp, thủ đoạn của người cầm quyền, là cái bí hiểm không được lộ ra cho cấp dưới biết là cấp trên có sáng suốt hay không, biết nhiều hay biết ít, yêu hay ghét ai, ham muốn cái gì hay không…
Nếu không cấp dưới sẽ đề phòng, nói dối, lừa gạt cấp trên.
Chủ trương ở cương vị nào thì phải làm đúng chức trách bổn phận của mình, ngoài cái đó ra nếu có biết thêm gì cũng không nên nói ra.

2.Quan niệm về “Thế” của Thận Đáo (370 – 290 TCN)
Thận Đáo (370- 290 TCN), người nước Triệu, trong khi đề cao pháp luật (coi pháp luật là nguyên tắc cao nhất của chính trị), lại cho rằng nếu không có quyền thế (địa vị, quyền lực) thì pháp luật cũng vô hiệu. Vì thế, Thận Đáo hết sức đề cao quyền thế.
Theo ông, quyền thế là cơ sở để đặt ra pháp luật và đảm bảo cho pháp luật được thi hành. Để đảm bảo quyền thế của người cai trị, Thận Đáo chủ trương thiết lập một nhà nước tập quyền thống nhất, trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhà vua
Đề cao “thế” trong quản lý.
Hiền và trí không đủ để cấp dưới phục tùng nhưng quyền thế và địa vị đủ khuất phục tùng nhưng quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người.
Chủ trương tập quyền, cấm không được lập bè đảng, phân biệt và quy định rõ địa vị, quyền hạn của các tầng lớp người trong xã hội cho rõ ràng.

3.Quan niệm về “Pháp” của Thương Ưởng (Thế kỷ IV TCN)
Thương Ưởng (khoảng 390 TCN-338 TCN) là công tử nước Vệ. Thưở còn trẻ tuổi, Thương Ưởng đã thích cái học "hình danh" từng giữ một chức vụ nhỏ cho Ngụy tướng Công Tôn Hoà. Công Tôn Hoà nhận ra thiên tài xuất chúng của Thương Ưởng bèn định tiến cử lên cho Ngụy Huệ Vương nhưng chưa kịp đã bị ngã bệnh. Khi Ngụy Huệ vương đến phủ thăm bệnh xin ông ta đề cử người kế nhiệm, Công Tôn Hoà đáp: Trong phủ có Công Tôn Ưởng (tức Thương Ưởng) tuy còn trẻ tuổi nhưng là bậc kì tài, xin đại vương đem quốc gia đại sự giao phó cho y và tin dùng y.
Huệ Vương không nói gì. Công Tôn Hoà thấy vậy, nói tiếp: Nếu như đại vương không trọng dụng Thương Ưởng, thì xin hãy giết chết y chứ để y sang nước khác sẽ trở thành đối thủ của nước Ngụy ta.
Huệ vương đồng ý. Sau khi Huệ vương đi rồi, Công Tôn Hoà vội cho Thương Ưởng đến bảo: Ta đề nghị đại vương cho ông làm người kế nhiệm ta. Đại vương không đồng ý. Vì muốn tận hết lòng trung, ta đề nghị tiếp, nếu như đại vương không thể trọng dụng ông thì nên giết chết ông, đại vương đồng ý. Ông mau trốn chạy đi, chớ để bị bắt.
Thương Ưởng ung dung hỏi: Nếu đại vương đã không nghe lời ngài trọng dụng tôi thì sao lại nghe lời ngài giết tôi?
Thương Ưởng không bỏ trốn. Đợi đến khi Công Tôn Hoà chết rồi, Ngụy vương nói với thủ hạ: Công Tôn Hoà hồ đồ quá, đáng tội thay, y đề nghị ta trọng dụng Thương Ưởng thật là hoang đường!
Sau đó, Thương Ưởng biết tin Tần Hiếu Công cho thông báo chiêu dụng nhân tài, ông liền đến nước Tần. Dưới sự tiến cử của đại thần Cảnh Giám, ông bái kiến Tần Hiếu công. Lần ấy, Thương Ưởng bàn về "đế đạo" rất trái ý Hiếu công, Hiếu công vừa nghe vừa ngủ gật rồi oán trách Cảnh Giám: Khách nhân của ông chỉ là một tên cuồng vọng, làm sao dùng y được!
Năm ngày sau, Thương Ưởng lại xin đi gặp Hiếu công, lần này ông giảng cho Hiếu công nghe về "vương đạo". Hiếu công vẫn chẳng hứng thú gì lại trách móc Cảnh Giám một lần nữa. Cảnh Giám giận dữ trách mắng Thương Ưởng đã phụ lòng tin của mình. Thương Ưởng cười đáp: "Lần sau, tôi đã biết phải nói gì cho Hiếu công vui". Không lâu, Thương Ưởng lại xin gặp Hiếu công lần thứ ba để giảng về học thuyết "bá đạo". Quả nhiên, Hiếu công vui vẻ không xiết. Nhưng Thương Ưởng không nói hết ý mình để thăm dò Hiếu công. Vài ngày sau, Thương Ưởng lại xin gặp Hiếu công, lần này Hiếu công mới thực sự hứng thú khi nghe ông giảng về "thuật làm cho nước mạnh". Vì yêu cầu của Hiếu công, Thương Ưởng thao thao bất tuyệt trong vài ngày đêm, họ trở thành bạn tri kỷ. Tài trị quốc và kế sách an định quốc gia của Thương Ưởng làm Hiếu công lay động, Hiếu công quyết tâm gạt hết mọi trở lực, trọng dụng Thương Ưởng.
Dưới sự ủng hộ của Hiếu công, Thương Ưởng cải cách thay đổi thể chế (gọi là biến pháp), sử gia Tư Mã Thiên viết về cuộc biến pháp của ông: " Thương Ưởng biến pháp khiến cho dân Tần mừng rỡ, ngoài đường không ai nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà nhà no đủ, làng xóm an trị".
Biến pháp của Thương Ưởng đưa nước Tần lên địa vị bá chủ chư hầu đến độ sau này Ngụy Huệ vương quá hối hận buột miệng than: "Thật đáng hận, trước đây ta không nghe lời kiến nghị của Công Tôn Hoà !".
Cuộc biến pháp của Thương Ưởng không chỉ làm cho nước Tần chuyển từ yếu sang mạnh, mà còn có ảnh hưởng tới sự phát triển của văn minh Trung Quốc nữa. Thời kỳ Chiến Quốc là thời đại thể chế văn minh Trung Quốc đang muốn chuyển mình từ chế độ nô lệ, phân phong đất đai sang chế độ địa chủ, chia quận huyện. Tiểu nông đang trong quá trình chuyển biến, bằng chứng là các cuộc biến pháp liên tục xảy ra ở các nước chư hầu như Sở có cuộc biến pháp của Ngô Khởi, nước Hàn có cuộc biến pháp của Thân Bất Hại... nhưng không có cuộc biến pháp nào thành công lớn bằng cuộc biến pháp của Thương Ưởng, nó xác lập hình thức thể chế văn minh mới.

Thương Ưởng biến pháp bắt đầu từ kinh tế tiểu nông. Ông cho ban bố "lệnh khẩn hoang" khuyến khích nông dân khai khẩn và lập ruộng vườn trên những vùng đất hoang. Để khích lệ sự phát triển nông nghiệp, ông chia ra ruộng tốt xấu theo từng vùng và theo đó mà thu thuế. Đồng thời, ông đả phá sự áp chế hoạt động buôn bán. Năm 530 TCN, Thương Ưởng ban bố lệnh đổi mới triệt để, thay đổi kinh tế nô lệ, bãi bỏ chế độ nô lệ, kiến lập toàn diện chế độ địa chủ, tư hữu và quốc hữu hoá toàn bộ đất đai. Năm 348 TCN, ông lại ban hành chính sách "sơ địa phú", ngoài thuế ruộng đất còn phải nạp thêm một loại thuế nhân khẩu. Chính sách này có lợi là làm thay đổi thói quen các thị tộc quần cư với nhau rất lạc hậu, phát triển kinh tế tiểu nông trong từng gia đình, đặt cơ sở cho chế độ kinh tế phong kiến. Từ đó, thuế ruộng và thuế nhân khẩu trở thành chế độ tô thuế mấy ngàn năm trong xã hội truyền thống Trung Quốc, mở rộng thu nhập cho ngân khố quốc gia.
C
ải cách kinh tế, bãi bỏ chế độ lãnh chúa với nông nô, thiết lập chế độ địa chủ đương nhiên dẫn đến cải cách thể chế chính trị. Vì vậy, phải thành lập quận huyện để quản lý thay cho các lãnh chúa. Huyện lệnh đứng đầu một huyện hưởng bổng lộc quốc gia, mà quốc vương có quyền miễn chức bất cứ lúc nào, chính như vậy mà một hệ thống quan liêu được thành lập, đây là mô hình sơ khai của tổ chức chính quyền phong kiến mấy ngàn năm trong lịch sử Trung Quốc.

Thương Ưởng không chỉ là người đầu tiên dùng tổ chức chính quyền để khống chế xã hội, ông còn là người khống chế tư tưởng có ảnh hưởng quan trọng trong văn hoá. Để tạo thành một hệ thống tư tưởng thống nhất, Thương Ưởng cho thiêu huỷ những Thi, Thư không phù hợp với lợi ích vương triều Tần, đó gọi là hành động "đốt thi thư để làm rõ pháp lệnh", thực hành chủ nghĩa chuyên chế văn hoá và chủ nghĩa ngu dân. Chính sách văn hoá ấy được kẻ thống trị đời sau mô phỏng, những vụ "cấm thư" đời Minh hay "văn tự ngục" đời Thanh đều ảnh hưởng sâu sắc chuyên chế văn hoá do Thương Ưởng đề xướng.
Biến pháp của Thương Ưởng thành công khiến Pháp gia bước lên địa vị chủ yếu trên vũ đài chính trị. Tử tưởng pháp gia của Thương Ưởng trở thành một bộ phận tư tưởng chủ yếu trong tư tưởng chính trị của Trung Quốc. Từ Tần trở về sau, tư tưởng của Thương Ưởng ảnh hưởng tới mọi chính sách của mọi triều đại phong kiến.

Khi Thương Ưởng chết đi, chế độ, pháp lệnh của ông vẫn không lơi lỏng. Chính sách đổi mới của Thương Ửơng làm thế nước Tần mạnh lên, nói như Vương Sung đời Hán: chính Thương Ưởng mới là người mở đế nghiệp cho nhà Tần. Đây là sự kiện lớn trong văn hoá Trung Quốc tạo ảnh hưởng đến hàng ngàn năm sau.
Tóm lại, Thương Ưởng chính là tướng quốc nước Tần dưới thời Tần Hiếu Công lại khởi xướng tư tưởng về pháp và biến pháp.
Ông đề cao “pháp” trong quản lý nhưng cũng yêu cầu hình pháp phải được thay đổi theo thời thế.
Pháp luật phải nghiêm, ban bố cho mọi người đều biết, ai cũng phải thi hành, có tội thì phải phạt, phạt nặng thì mới răn đe được.
Đặt ra lệnh cao gian, cáo sai thì bị tội, cùng nhau chịu trách nhiệm; thường hậu mà xác thực, phạt nặng mà cương quyết.
Tổ chức liên gia thực hiện chính sách cáo gian; thực hiện thưởng cho người có công, phạt người phạm tội; quý tộc mà không có chiến công thì hạ xuống dân thường.

4.Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử
Chủ trương của các nhóm Thuật - Thế - Pháp đã phát triển và làm sâu sắc hơn tư tưởng pháp trị so với Quản Trọng và Tử Sản, qua đó đã nâng tư tưởng pháp trị lên một trình độ mới cao hơn. Song tư tưởng của những đại biểu trên đây mới chỉ là những quan điểm thuật pháp riêng rẽ về hành xử chính trị, chưa nhìn thấy sự thống nhất giữa pháp luật với các công cụ tác động là Thuật và Thế, còn hạn chế căn bản là tính phiến diện, chỉ thấy cây mà chưa thấy rừng. Do đó, những chủ trương của họ khi đem ra áp dụng bị thất bại là điều không thể tránh khỏi. Đón nhận sứ mệnh sứ mệnh tiếp tục đưa ngọn cờ pháp trị lên một tầm cao mới, Hàn Phi đã tiến hành tổng kết toàn bộ tư tưởng của các pháp gia tiền bối. Trong khi xác nhận những yếu tố hợp lý, đúng đắn của các quan điểm Pháp, Thế, Thuật trong việc khẳng định vai trò của các công cụ này, Hàn Phi cũng chỉ ra những hạn chế cụ thể của họ. Theo ông, Thuật của Thân Bất Hại là hoàn toàn đúng, song nó còn thiếu một điều kiện đảm bảo cho pháp luật có thể thực thi đó là quyền lực, vì “Bề trên có dùng Thuật giỏi nhưng nếu không có Thế thì cũng bị cái vạ là pháp luật không thấm nhuần vào được các quan”. Bàn về Thận Đáo, Hàn Phi cho rẳng: Thế là cần thiết, nhà cầm quyền phải dùng quyền thế của mình nhưng cũng phải biết giữ pháp luật (phải có Thuật), song ông cũng chưa nhìn thấy vai trò của Thuật là yếu tố giữ cho quyền lực được bền vững. Những quan điểm về Pháp và Biến Pháp của Thương Ưỏng có nhiều tiến bộ, nhưng cũng như Thận Đáo, ông cũng chưa thấy được vai trò bổ sung giữa Thuật và Pháp. Theo Hàn Phi: “nhà vua không có Thuật thì cái tệ ở nơi người trên, bầy tôi mà không có pháp thì cái loạn do kẻ dưới”. Trong thiên Định pháp, ông còn cho rằng: cả Thuật và Pháp đều cần thiết đối với cai trị như cơm ăn và áo mặc- những dụng cụ để nuôi sống con người. Như vậy, trên cơ sở phê phán quan điểm phiến diện của cả ba phái, Hàn Phi đã nêu rõ tính tất yếu phải hợp nhất chúng lại vì theo ông chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, trong đó Pháp được coi là trung tâm của chính sách cai trị; Thuật và Thế là những điều kiện tất yếu để thi hành pháp luật. Đồng thời, pháp luật được thực thi sẽ là cơ sở để Thuật và Thế được giữ vững và phát huy tác dụng. Theo ông, cả ba yếu tố này đều là “công cụ của đế vương”.

Không chỉ dừng lại ở việc thống nhất các học phái pháp trị, Hàn Phi còn kế thừa, tiếp thu cơ sở lý luận từ các học thuyết tư tưởng Nho, Lão và phát triển chúng theo quỹ đạo của pháp trị. Là học trò của Tuân Tử, chịu ảnh hưởng của thầy nên Hàn Phi cũng thừa nhận bản tính của con người là ác, nhưng nếu Tuân Tử cho rằng bản tính của con người có thể thay đổi, người ác có thể trở thành thiện nhờ giáo dục để đến với chủ trương Đức trị thì Hàn Phi cho rằng tính ác tiềm ẩn trong tất cả mọi người là bất biến và phát huy thêm thuyết “tính ác” bằng việc đưa ra thuyết luân lý cá nhân vị lợi, từ đó ông tách khỏi con đường của thầy để đến với chủ trương pháp trị. Theo ông, trừ một số ít thánh nhân, còn hầu hết là thường nhân với nhiều tính xấu: tranh nhau vì lợi, lười biếng và chỉ phục tùng quyền lực. Bản tính vị kỷ, hám lợi sẽ dẫn con người đến chỗ tranh đoạt lẫn nhau và gây ra nhiều điều ác. Bằng lý luận về “tính ác”, Hàn Phi đã luận chứng cho tính tất yếu phải cai trị bằng pháp luật.

Ngoài ra, Hàn Phi còn tiếp thu và phát triển học thuyết “chính danh” của nho gia thành một trong những tiền đề lý luận quan trọng cho lý thuyết pháp trị. Theo nho gia, “Chính danh” là một biện pháp qui định giúp mọi người nhận rõ cương vị, quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với chức vụ và đẳng cấp tương ứng. Có xác định được danh phận thì mới điều hoà được các quan hệ, do đó “chính danh” được xem như là phương tiện để ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, nếu nho gia cho rằng danh phận được sắp đặt tự nhiên thì Tuân Tử chủ trương việc chế danh, ấn định ý nghĩa cho danh đó là quyền của vua, không ai được tự ý chế danh, đặt sai ý nghĩa các danh mà nhà vua đã định. Hàn Phi đã tiếp thu tư tưởng của thầy thành lý luận về hình danh cho pháp trị: “cái đạo bất biến của việc cai trị là lấy cái danh (tên gọi) làm đầu. Cái danh đã chính thì sự vật được xác định. Cái danh thiên lệch thì sự vật thay đổi”. Như vậy, Khổng Tử là người đầu tiên lập nên thuyết chính danh và ông đã khởi xướng lý luận đầu tiên cho ý tưởng về pháp trị một cách không tự giác. Tuân Tử lại phát triển “chính danh” thêm và trở thành người đặt nền móng cho chủ trương của Hàn Phi.

Điều quan trọng hơn, theo Hàn Phi là phải tìm một sở triết học làm xương sống cho lý thuyết pháp trị và ông đã tìm thấy nó ở lý thuyết của Lão Tử mà cơ sở là Đạo Đức kinh. Kế thừa và phát triển quan điểm duy vật về thế giới của Lão Tử và Tuân Tử, Hàn Phi đã giải thích sự phát sinh, phát triển của vạn vật theo “đạo” và “lý ” của chúng. Theo ông, “đạo” vừa là nguồn gốc của vạn vật, vừa là qui luật phổ biến của chúng, vì vậy nó không thay đổi. Còn “lý” là qui luật riêng, nên nó thường biến hoá không ngừng. Vì vậy, để nhận thức được sâu sắc sự vật và hoạt động có kết quả, mọi hoạt động của con người phải theo qui luật “thể hiện đạo” và “tuân theo lý”. Vận dụng thuyết “đạo” và “lý” vào phép trị nước, ông cho rằng, ngày nay cái “lý” (thời thế, hoàn cảnh…) đã thay đổi, thì phép trị nước không thể viện dẫn theo Đạo đức của Nho gia, Kiêm ái của Mặc gia, Vô vi của Đạo gia như trước nữa, mà trong hoàn cảnh hiện tại (vương đạo suy vi, đất nước loạn lạc…) cần phải dùng pháp trị.

Trong khi kế thừa những giá trị tư tưởng từ các học thuyết tư tưởng khác Hàn Phi Tử cũng mang tính chủ đích rõ rệt. Các thuyết Tính ác, Hình danh đều mang màu sắc duy tâm, phiến diện; song Hàn Phi Tử đã tìm thấy ở đó những yếu tố hợp lý cho việc khẳng định cơ sở lý luận của học thuyết pháp trị, có khả năng phục vụ đắc lực, hiệu quả trong việc củng cố sức mạnh, thiết lập chính quyền trung ương tập quyền cao độ theo yêu cầu của giai cấp thống trị đương thời… nên chúng đã được sử dụng và được cải tạo theo quỹ đạo của lý thuyết Pháp trị. Nhờ sự tiếp thu cơ sở lý luận từ các học thuyết trên, Hàn Phi Tử đã tiếp thêm sinh lực và nâng tư tưởng pháp trị lên một tầm cao mới, trở thành một học thuyết cai trị hoàn chỉnh và có nội dung rất phong phú. Sự ra đời của học thuyết pháp trị gắn với công lao, tên tuổi của nhà tư tưởng vĩ đại Hàn Phi Tử - tập đại thành của học thuyết pháp trị.
Coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để đem lại hoà bình, ổn định và công bằng, Hàn Phi đã đề xuất tư tưởng dùng luật pháp để trị nước. Ông đưa ra một số nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và thực thi pháp luật, như pháp luật phải nghiêm minh, không phân biệt sang hèn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...

Với những tư tưởng đó, học thuyết của Hàn Phi được người xưa gọi là “học thuyết của đế vương”.
Hàn Phi Tử tuy là học trò của Tuân Tử, nhưng đã bỏ đạo Nho theo đạo Pháp. Hàn Phi phủ định đức tính Nhân nghĩa của nhà Nho, tự sáng lập ra triết lý chính trị riêng, có giá trị rất đáng kể. Triết lý chính trị của Hàn Phi, bắt nguồn từ tư tưởng "Phú quốc cường binh" của Ngô Khởi cùng Thương Quân, hình thành một hệ thống gồm ba chủ điểm là: “Thuật” – “Thế” - “Pháp”.

a.“Thuật” theo tư tưởng của Hàn Phi Tử
Là một quan niệm rất quan trọng, trong tư tưởng của Hàn Phi, luôn luôn gắn liền với "Pháp", chỉ có khác ở chỗ, Pháp để trị dân, còn Thuật thì để nhà vua kiểm soát thần thuộc. Vậy Thuật của vua là thuật gì?

- Một là, "Cách tắc nhi bất thông, chu mật nhi bất hiện". (Ngăn cách đừng thông nhau, kín đáo đừng lộ liễu). Về điểm một là bảo, kẻ làm vua nên sống cách biệt với quần thần, đừng để họ thấy cử chỉ của mình, mà đoán biết ý định chân chính của mình.
- Hai là, giấu kỹ tình cảm ghét thương. Điểm hai cho rằng người làm vua phải tập làm sao cho tình cảm ai lạc hỷ nộ của mình, chẳng bao giờ biểu lộ ra ngoài, có vậy thì đám thần thuộc sẽ không cách nào khai thác, lợi dụng cảm tình của mình. Xem đó thì ai muốn có "Thuật" làm vua, cũng chẳng dễ gì, cần phải học hỏi thêm công phu tu thân, dưỡng tính vừa Hư và Tĩnh của cả nhà Nho lẫn nhà Đạo, mới mong thành công được. Để giữ gìn quyền lực tuyệt đối của nhà vua, Hàn Phi khuyên các vua chúa không nên tín nhiệm kẻ khác. Đã không nên tín nhiệm mà thật tế lại đòi hỏi, không thể không dùng người làm việc cho mình, cho nên cần phải có thuật khống chế người, bằng những pháp lệnh khắt khe, khiến cho người ta khiếp sợ, phải cúi đầu khuất phục.
Thời Chiến Quốc, xu hướng chính trị chung là mưu cầu quốc gia phú cường (giàu mạnh), để đi tới mục tiêu cuối cùng là đại thống nhất, cho nên đòi hỏi phải có nhà lãnh đạo chí tôn chí cường, thì Hàn Phi quan niệm Pháp và Thuật là điều kiện tất yếu, khả dĩ đem lại quyền lực tuyệt đối, cho nhà lãnh đạo chí tôn chí cường.

b.“Thế” theo tư tưởng của Hàn Phi Tử
Với Hàn Phi, "Quyền lực tối thượng" có một danh từ riêng, gọi là "Thế”.
Nguyên quan niệm về Thế, là do Thân Đáo khởi xướng, kịp đến tay Hàn Phi, thì càng coi đó là điều kiện căn bản nhất của nhà lãnh đạo. Nếu chúa mà thiếu cái Thế mạnh. thì Pháp không thể hành, và sở dĩ chúa phải dùng đến Thuật, là nhằm bảo vệ cái Thế. Tóm lại, Pháp, Thuật, Thế là ba mặt của quyền lực tối thượng, tuy có khác nhau, nhưng liên đới vô cùng chặt chẽ với nhau.
Trong tư tưởng của Hàn Phi, quyền lực là tất cả, như đã viết trong thiên "Hiển học": "Thị cố lực đa tắc nhân triều, lực quả tắc triều ư nhân, cố minh quân vụ lực". (Bởi vậy cho nên, quyền lực nhiều thì người ta đến chầu mình, quyền lực kém thì phải đi chầu người ta. Do đó, minh chúa phải nắm lấy quyền lực) và "Quyền thế bất khả dĩ tá nhân, thượng thất kỳ nhất, hạ dĩ vi bách". (Quyền thế chớ có chia sẻ cho người ta, khi bề trên chia mất một quyền, thì kẻ dưới sẽ lạm dụng thành trăm). Hàn Phi không những coi trọng quyền lực, còn là kẻ sùng bái quyền lực. Đó là ý nghĩ chung của kẻ chủ trương độc tài, chuyên chế từ cổ chí kim, từ đông chí tây, họ coi quyền lực như là chân lý, có quyền lực là có tất cả.

Trong quá trình xây dựng học thuyết của mình, Hàn Phi phê phán mạnh mẽ lý thuyết chính trị của Nho gia. Dưới con mắt của ông, cách cai trị dựa trên nhân đức của nhà cầm quyền (dưới các tên gọi như “nhân trị”, “đức trị” hay “lễ trị”), lý tưởng chính trị Nghiêu Thuấn là trái với thực tế và nếu áp dụng quan niệm đó sẽ làm loạn đất nước.

Khổng Tử – người sáng lập Nho gia – làm hết sức để nhằm mục đích cho người quân tử cai trị đất nước. Ông tin chắc rằng, nền tảng của việc cai trị đất nước chính là tự chế ước bản thân. Một vị quân chủ cao quý nắm giữ chính quyền sẽ tự nhiên mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước. Khổng Tử đã từng nói: “Bản thân mà chính đáng, dù không cần mệnh lệnh thì (người khác) cũng thi hành; còn nếu bản thân không chính đáng, dù có mệnh lệnh thì (người khác) cũng không tuân theo” (Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng. Luận Ngữ. Tử Lộ). Mặc dù không yêu cầu mọi ông vua đều phải như Nghiêu Thuấn – thánh hiền mang tính lý tưởng, song theo ông, tiền đề quyết định sự thành bại trong việc trị nước chính là đức hạnh của nhà vua đang trị vì. Đức hạnh đó được gọi là “nhân” và đạt được qua “lễ” (chế ước bản thân quay về với điều lễ là nhân. “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”).

Khổng Tử là người đặc biệt nệ cổ, thường coi xưa hơn nay; tâm nguyện của ông là làm sao để xã hội có thể trở về trạng thái xưa cũ. Mặc Tử, ông tổ phái Mặc gia, cũng rất đề cao quá khứ. Theo ông, một trong ba tiêu chuẩn của chân lý (phép “Tam biểu”), là lời nói của thánh nhân đời xưa, hay những gì đã từng được nói đến trong quá khứ. Hàn Phi đã phê phán một cách hết sức sắc sảo loại quan điểm này: “Khổng Tử, Mặc Tử đều nói đến Nghiêu, Thuấn nhưng chủ trương của hai người khác nhau. Họ đều tự cho mình là Nghiêu, Thuấn chân chính. Nghiêu, Thuấn không sống lại, vậy ai sẽ quyết định đạo Nho hay đạo Mặc là đúng với Nghiêu, Thuấn? Đời Ân, đời Chu đã hơn bảy trăm năm, đời Ngu, đời Hạ trước đấy đã hơn hai ngàn năm mà còn không quyết định được cái đúng của đạo Nho và đạo Mặc. Nay lại muốn nghiên cứu cái đạo của Nghiêu, Thuấn cách đây đã ba ngàn năm, chẳng phải là không thể nào làm được sao? Nếu như không tham nghiệm được mà lại quyết định ngay thì đó là ngu. Nếu không thể quyết định được mà lại theo ngay thì đó là dối trá. Cho nên chuyện nêu cao các tiên vương, quyết định theo Nghiêu và Thuấn nếu như không phải là ngu thì cũng là dối trá vậy. Cái học ngu và dối trá, cái hành động bác tạp và trái pháp luật này vị vua sáng không theo”. Các nhà Nho luôn muốn thần thánh hóa bậc quân chủ, song để pháp luật có được tính phổ quát nhất định, hay nói cách khác, để có được một nền pháp trị, Pháp gia nói chung và Hàn Phi nói riêng đã tước bỏ ý nghĩa thần thánh mà những kẻ cai trị luôn muốn tự khoác lên mình.

Hàn Phi quan niệm nhà vua cũng chỉ là người bình thường như bao người khác. Cái làm cho đất nước trị hay loạn không phải là ông vua của nước đó ra sao, mà là nền pháp trị của nước đó như thế nào. Hiện tượng Quản Trọng và Tề Hoàn Công thường được sử dụng như một ví dụ đắt giá cho tư tưởng này. Các nhà Nho tôn quân, Hàn Phi cũng tôn quân, nhưng tôn quân theo một kiểu khác.
Ông viết: “Bọn nhà Nho đời nay nói với nhà vua lại không nói đến cái làm cho đời nay được trị mà nói đến công lao trị an ngày xưa, không hiểu rõ công việc phép quan, không xét kỹ cái tình hình của bọn gian tà, mà đều nói đến những chuyện truyền lại từ thời thượng cổ, ca ngợi công lao của các tiên vương. Bọn nhà Nho tô vẽ lời nói, bảo: “Nghe lời nói của ta thì có thể làm bá vương”. Loại người nói như vậy cũng như bọn thày cúng, đồng cốt, vị vua có pháp độ không nghe. Cho nên vị vua sáng nêu lên những việc có thực, bỏ cái vô dụng, không nói chuyện nhân nghĩa, không nghe lời bọn học giả”.


...... hsbc Quốc An hsbc ......
Xem tiếp phần 2

Về Đầu Trang Go down
 
HÀN PHI TỬ (P1)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Các chuyên ngành khác có liên quan-
Chuyển đến