NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn

Go down 
Tác giảThông điệp
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn   Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn Icon_minitimeSun Jan 24, 2010 12:11 am

Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn
- Pt. Nguyễn Ngọc Duy -
MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
LỜI GIỚI THIỆU 3
NỘI DUNG CHÍNH 5
I. Đôi nét về nhận biết bản thân: 5
1. Khái niệm về nhận biết bản thân 5
2. Vai trò của việc nhận biết bản thân 5
II. Đôi nét về hình thức tự vấn 6
1. Khái niệm tự vấn: 6
2. Tự vấn trong việc nhận diện bản thân 7
III. Một số cách thức cụ thể để rèn luyện khả năng nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn 7
1. “Rượu mới thì đỗ trong bầu da mới” 7
2. Tự lượng giá 8
a. Tự lượng giá sau mỗi hoạt động 8
b. Tự lượng giá theo thời gian 10
c. Tự lượng giá sau một quãng đường của cuộc đời 12
3. Tự vấn bằng cách soi chiếu: 13
a. Soi chiếu với người khác 14
b. Soi chiếu với sản phẩm của người khác 15
4. Thiền định 16
IV. Ưu và nhược điểm của hình thức tự vấn trong việc nhận diện bản thân. 19
1. Ưu điểm 19
2. Khuyết điểm 19
TỔNG KẾT 20
TÀI LIỆU THAM KHẢO 21


LỜI GIỚI THIỆU
Ông bà ta có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”
Xã hội ngày càng phát triển. Nền kinh tế ngày càng hưng thịnh. Nhờ thế mà con người có một cuộc sống khá dễ chịu và tiện nghi. Tuy nhiên cũng vì thế mà con người có xu hướng bận rộn, tất bật hơn. Và giữa cuộc sống bộn bề ấy, có ai trong chúng ta đã thử dừng lại giây lát để nghẫm nghĩ những câu hỏi đại loại như: “mình là ai?”, “mình đến với cuộc đời này để làm gì?” chưa?. Ắt hẳn đa số chúng ta điều cho rằng việc làm này là không cần thiết và mất thời gian. Và cứ thế chúng ta như con thiêu thân lao vào cái “bánh xe vô lượng” của cuộc đời. Để rồi đến khi vấp ngã, chúng ta mới thốt lên “ước gì ngày đó mình đừng hấp tấp.”; “Ước gì ngày đó mình suy nghĩ kỉ hơn thì đã không…” Nhận ra được điều này tuy chưa hẳn đã là muộn màng nhưng chúng ta phải đánh đổi bằng một cái giá không rẻ chút nào, có thể là “sức đầu mẻ tráng” hay tệ hơn là “thân bại danh liệt”. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những người lớn tuổi có phong cách sống trầm lắng, thân trọng và thường cân nhắc rất kĩ trước những quyết định dù lớn hay nhỏ.
Mặt khác, ông bà ta có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Và thực tiễn cuộc sống đã minh chứng một cách rõ ràng cho ta thấy sự đúng đắn của câu nói trên. Và hẳn nhiên mọi sự thành công điều khởi đi từ bản thân của mỗi người. Không có một thành công nào tự đến với con người. Nếu nói sự may mắn đem lại cho tôi thành công thì cũng không hẳn vì tuy có may mắn nhưng con người ít nhất phải đưa cánh tay ra để đón nhận thì may mắn đó mới đem lại thành công. Còn nếu không thì may mắn đó sẽ vụt qua mà thôi. Chính vì thế mà để thành công điều trước ta là ta phải biết ta là ai? Ta có những khả năng gì? Ta có những hạn chế gì? Hay khái quát lên là phải biết ta người như thế nào?
Vậy thì ta phải làm gì để gặt được những thành công trong cuộc sống cũng như hạn chế những vấp ngã trong cuộc đời? Vâng có rất nhiều phương pháp và hình thức khác nhau giúp ta thực hiện được ước muốn chính đáng trên. Nhưng một hình thức dễ dàng nằm ngay trong tầm tay của chúng ta là sử dụng hình thức tự vấn để nhận biết bản thân.



NỘI DUNG CHÍNH
I. Đôi nét về nhận biết bản thân:
1. Khái niệm về nhận biết bản thân
Nhận biết bản thân hay khám phá bản thân là thuật ngữ nói về việc tìm hiểu về chính mình. Bao gồm tìm hiểu về các mặt của nhân cách như lý tưởng, thế giới quan, năng lực, tính cách, khí chất, xu hướng hay là các chỉ số về IQ, CQ, EQ… của bản thân hoặc là các yếu tố thuộc về bản năng…
2. Vai trò của việc nhận biết bản thân
Sẽ có nhiều người hỏi “tại sao cần phải biết mình?” Xin thưa, hiểu rõ bản thân trước nhất đó là một niềm hạnh phúc lớn của con người. Vì một trong những nỗi đau lớn nhất của con người là không biết mình là ai. Và điều này được biểu hiện một cách rõ rệt trên nét mặt và cuộc đời của những người bị mất trí. Hơn nữa hiểu về chính mình giúp ta có một sự chọn lựa phù hợp nhất cho cuộc sống của bản thân. Vì khi hiểu về chính mình tức là ta đã hiểu được những thế mạnh, thế yếu của bản thân. Nên ta có thể đưa ra những chọn lựa, quyết định đúng đắn và hợp lý nhất cho mình trước những ngã ba, ngã tư của cuộc đời. Ví dụ như ta là một người có sở thích và có năng khiếu về hội họa thì ta không thể vì một sức ép nào đó từ gia đình,bạn bè hay xã hội để lao mình vào công việc của một người kế toán. Như vậy không sớm thì muộn trong bản thân ta sẽ nãy sinh những mâu thuẩn và nghề kế toán bây giờ trở thành một cực hình đối với ta. Vậy thì đời ta sẽ đi về đâu? Nhưng nếu như ta là một người nhận biết một cách sâu sắc và chính xác về bản thân mình thì ta sẽ chọn lựa cho mình một công việc phù hợp, một họa sĩ, một nghệ nhân hay ít nhất cũng là một kiến trúc sư…Hơn nữa biết rõ bản thân còn giúp ta có cách cư xử với chính mình và với người khác nghiêm túc và hợp lý hơn. Chỉ khi biết rõ bản thân ta mới có thể sửa mình được vì chỉ khi biết rõ bản thân ta mới biết được khuyết điểm ta ở đâu, hạn chế ta ở chỗ nào thì mới có thể nghiêm khắc mà sửa chữa được. Nhờ thế mà nhận biết bản thân còn giúp ta thăng tiến bản thân. Và cuối cùng là hiểu về chính mình nhằm tìm đến sự tương hợp với nhóm cũng như với sức ép xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì nhận biết bản thân trước mắt sẽ giúp ta chọn lựa một tổ chức, một môi trường xã hội phù hợp với bản thân. Sau đó, trong quá trình hợp tác, làm việc có xảy ra xung đột thì ta cũng dễ dàng để điều ứng một cách linh hoạt để tìm sự thích nghi với nhóm. Nếu nói như vậy thì nhận biết bản thân quả có một vai trò rất lớn là sẽ cất đi những hòn đá lớn trong cái tảng đá đầy nặng nề của đời người phải đối mặt và phải mang lấy.
Tóm lại, nhận biết sâu sắc bản thân là một trong những yếu tố lớn đem lại thành công và hạnh phúc cho cuộc đời của con người. Vậy thì còn chờ gì nữa mà chúng ta không đi khám phá chính mình. Có rất nhiều cách thức để khám phá bản thân như dung các bài test về tâm lý, hỏi ý kiến của người khác về bản thân mình hay là dựa vào các kết quả nghiên cứu về nhân dạng, về thống kê…Nhưng trong phạm vi cho phép của đề tài, tôi chỉ xin đề cập đến một hình thức khá phổ biến là hình thức tự vấn.
II. Đôi nét về hình thức tự vấn
1. Khái niệm tự vấn:
“Tự vấn” hay tự hỏi bản thân là hình thức được sử dụng rất nhiều trong nghệ thuật nhận biết bản thân đặc biệt là trong các tôn giáo. Đây là hình thức chủ thể tự đặt ra những câu hỏi, những vấn đề rồi dùng những kiến thức và trãi nghiệm của bản thân để trả lời, giải quyết. Qua đó chủ thể cũng cố những kiến thức, kỹ năng cũ đồng thời hình thành những kiến thức, trãi nghiệm và kỹ năng mới.
2. Tự vấn trong việc nhận diện bản thân
Trong phạm vi của nhận biết bản thân thì tự vấn là những hành động tự xem xét, tự đánh giá bản thân hoặc người khác qua chính những trãi nghiệm của chủ thể. Qua đó chủ thể hiểu mình hơn trên tất cả các bình diện. Ví dụ như sau một cuộc tiếp xúc với đối tác, một doanh nhân ngồi nhớ lại cuộc tiếp xúc đó với những suy nghĩ: mình đã hành động như thế nào? Mình đã làm tốt những việc gì? Còn điều gì mình chưa hài lòng? Đối tác của mình có những biểu hiện nào hay đáng cho mình học hỏi?...rồi tự trả lời và đánh giá dựa vào tình tiết của buỗi tiếp xúc đó. Để rồi người doanh nhân khám phá ra được những cái ưu, cái khuyết của mình. Cũng như soi chiếu vào người đối tác kia để có thể hiểu mình hơn.
III. Một số cách thức cụ thể để rèn luyện khả năng nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn
Hình thức tự vấn biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau và để ứng dụng trong nhận diện bản thân thì có một số dạng như sau
1. “Rượu mới thì đỗ trong bầu da mới”
Theo cấu trúc hoạt động của A.N. Leonchev thì hoạt động của con người được thúc đẩy bởi các động cơ. Và theo tâm lý học sư phạm thì một trong những yếu tố quan trọng làm nên động cơ là thiện chí. Hay nói cách khác là để hoạt động diễn ra tốt đẹp và đạt hiệu quả cao thì con người phải có một thái độ phù hợp tương xứng. Vì thế mà trước khi đi vào các cách thức để nhận diện bản thân theo hình thức tự vấn thì tôi thiết nghĩ cũng nên nói đến việc xây dựng cho bản thân một thái độ phù hợp với hình thức này.
Một sai lầm mà con người hay mắc phải đó là chỉ hướng đôi mắt vào thế giới xung quanh, vào người khác mà không hướng ánh mắt đó vào nội tâm của mình. Thích xét đoán người khác hơn là xét đoán bản thân. Cũng chính vì thế mà ta dễ “thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình” và “nhất cữ nhất động” của người ta điều hay còn bản thân ta như thế nào thì chẳng biết gì. Xu hướng này ta thấy rất rõ trong các cuộc nói chuyện hay các cuộc tiếp xúc trong thực tiễn cuộc sống đặc biệt là trong các cuộc nói chuyện của những người có những chuyên nghành liên quan về tâm lý con người như tâm lý học, giáo dục học, xã hội học. Trong các cuộc nói chuyện này ta thường nghe những câu: “không biết con bé đó bữa nay thế nào?”, “ông kia là người ra sao ta?”, “tôi biết bà đó như vậy mà”…mà thấy rất ít những câu như: “tôi thấy tôi bữa nay hơi khác”, “tôi thấy tôi có khuyết điểm chỗ này”…Chính vì thế mà trước khi đi vào khám phá bản thân, ta hãy tạo cho mình một thái độ và một thói quen là thường xuyên kiểm tra và nghiêm khắc với bản thân thay vì chú tâm quá nhiều đến người khác.
2. Tự lượng giá
Tự lượng giá là hành động tự đánh giá các hoạt động của bản thân. Dựa theo chu kỳ hoạt động của con người và phù hợp với việc nhận diện bản thân tôi chia tự lượng giá bản thân thành ba loại: Tự lượng giá sau mỗi hoạt động, tự lượng giá theo thời gian và tự lượng giá theo quãng đường đời của con người.
a. Tự lượng giá sau mỗi hoạt động
Tự lượng giá sau mỗi hoạt động là hành vi tự đánh giá và nhận định bản thân sau mỗi hành động của chính mình. Như loại hình tự vấn của doanh nhân trong ví dụ ở trên thuộc về lượng giá sau mỗi hành động.
Khám phá bản thân theo cách thức này tức là sau mỗi hoạt động, chúng ta giành ra một khoảng thời gian tùy ý có thể là 5 – 7 phút để hồi tưởng lại các thao tác, các hành động mình đã làm để thực hiện hoạt động đó. Qua việc hồi tưởng ta tự phân tích và đánh giá những hành động, những thao tác đó. Để rồi đưa ra nhận định cái nào là đúng, cái nào là sai. Ngoài ra, tự lượng giá hoạt động còn là lượng giá về động cơ, mục đích của hoạt động. Ta nhận diện xem, mục đích và động cơ của hoạt động của mình là đúng hay sai, xấu hay tốt? Không những thế, lượng giá hoạt động còn là lượng giá về cách thức sử dụng các phương tiện trong quá trình thực hiện hoạt động nữa. Nói chung lại, cách thức này ta có thể giúp ta nhận biết một số mặt nhân cách của bản thân qua nhận định về động cơ và mục đích của hoạt động vừa thực hiện. Ngoài ra ta cũng có thể nhận biết kĩ năng sử dụng và vận dụng các phương tiện vào thực tiễn cuộc sống của chính mình. Hơn nữa qua việc đánh giá các hành động, thao tác của cả quá trình ta cũng nhận ra được những ưu, yếu điểm của bản thân.
Để nhận diện bản thân theo cách thức này thì chủ thể phải có một ý thức và tính tự giác cao. Vì hoạt động của con người diễn ra khá phong phú và mức độ diễn ra rất thường xuyên. Nên chủ thể phải tự đánh giá rất nhiều. Và đương nhiên cuộc sống thường nhật không cho phép ta giành quá nhiều thời gian để ngồi mà hồi tưởng mà đánh giá bản thân. Nên để khắc phục điều này ta cần phân biệt được đâu là hành động, đâu là hoạt động để có thể vừa tiết kiệm được thời gian vừa đánh giá được khái quát và chính xác hơn. Ta nên tự đánh sau mỗi hoạt động. Vì tuy ta cũng có thể đánh giá hành động để khám phá một phần bản thân ở trong đó. Nhưng cuộc sống thường ngày của ta có rất nhiều hành động diễn ra liên tiếp nên cứ tự đánh giá sau mỗi hành động thì chắc chắn việc tự lượng giá này sẽ là điều viễn tưởng so với quỹ thời gian sống của mỗi người. Hơn nữa, hoạt động bao hàm hành động nên nếu biết bỏ qua hành động để đánh giá hoạt động ta sẽ vừa sử dụng thời gian hợp lý hơn vừa có được sự đánh giá bao quát và chính xác hơn. Mặt khác, cuộc sống chúng ta không phải luôn luôn bao hàm những hoạt động khác nhau hoàn toàn. Nhưng sẽ có nhiều hoạt động về căn bản sẽ giống nhau. Như hoạt động học tập của người học sinh được diễn ra thường xuyên ngày này qua ngày khác. Tuy mỗi ngày hoạt động học ấy sẽ mang một sắc thái riêng nhưng về bản chất nó vẫn là hoạt động học. Nên điều tôi muốn nói ở đây, chính là ta phải biết chọn lọc trong lượng giá. Có nhiều yếu tố của hoạt động đã được ta đánh giá trong những lần lượng giá trước. Vì thế ta không nên lặp lại một cách máy móc các thao tác lượng giá đó. Mà chúng ta nên chú ý những điểm mới, những nét khác biệt và tiến bộ trong hoạt động, cũng như biết dựa trên những nhận định cũ để lượng giá như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho chúng ta. Ví dụ như khi lượng giá về hoạt động học của bản thân. Thay vì phải lượng giá tất cả các mặt: động cơ, mục đích, hành động, thao tác, phương tiện như những lần trước, ta có thể lượng giá một cách rút gọn như sau: Mục đích động cơ học tập của tôi có gì khác với lần trước không? Nếu có thì theo hướng tích cực hay tiêu cực? Thao tác học tập của tôi hôm nay thế nào, có nhuần nhuyễn hơn không? Kĩ năng đọc sách, kĩ năng nghe giảng của tôi có nhạy bén hơn không? So với ngày hôm qua tôi tiếp thu bài có dễ hơn không?...Như vậy ta sẽ dễ dàng và nhanh chóng nhận ra sự tiến bộ hay sa sút cũng như những yếu kém hoặc ưu điểm của bản thân.
b. Tự lượng giá theo thời gian
Tự lượng giá theo thời gian là hành động tự kiểm tra và đánh giá bản thân sau một thời gian sống tùy ý, có thể là một giờ, hai giờ, một buỗi hay một ngày, một năm hay mười năm…Đây là cách thức mà các trường phái thiền rất coi trọng. Một ví dụ sống động cho cách thức này là trường Đại học tinh thần thế giới Brahma Kumaris, một nơi nghiên cứu rất sâu sắc và khoa học về các phương pháp thiền. Ở đây, cứ hai tiếng đồng hồ một lần tiếng chuông báo vang lên khắp ngọn núi là nơi tọa lạc của ngôi trường này. Sau đó mọi người ở đây, giáo sư hay học viên, lao công hay dân thường điều tự động dừng tất cả các công việc để trở về với trạng thái bất động trong vòng 2 – 5 phút. Nếu ai đến đây lần đầu đều rât lấy làm lạ và tưởng rằng mình đang ở giữa thế giới của những pho tượng. Nhưng không, những người ở đây không phải tổ chức những cuộc bất động tập thể để ghi tên vào cuốn sách kỷ lục thế giới. Nhưng là họ tạm thời thoát ra khỏi hoạt động hiện tại để tự lượng giá về bản thân mình trong hai giờ qua. Sau đó công việc lại tiếp tục diễn ra bình thường. Qua những mô tả này ta có thể hình dung được những khó khăn của việc tự vấn thường xuyên sau một thời gian hoạt động ngắn. Để làm được điều này, chủ thể phải có ý thức và một quyết tâm rất cao và phải hy sinh một lượng thời gian rất lớn. Vì cũng như sự phân tích ở cách thức lượng giá sau mỗi hoạt động ở trên, chu kỳ lặp lại của các lần lượng giá theo kiểu này là rất ngắn. Chính vì thế mà tự thực hiện điều này trong một thời gian dài sẽ là cực kỳ khó khăn. Trường đại học Brahma Kumaris thực hiện được điều đó trong nhiều năm vì ở đây có một sư quy ước rạch ròi và có sự nhắc nhở bởi tiếng chuông. Nói tóm lại để thực hiện được điều này cần phải có một môi trường hết sức thuận lợi cho chủ thể.
Chính vì thế mà cách này ít được phổ biến. Và các cách được phổ biến nhiều nhất đó là tự lượng giá sau một ngày hoặc sau một tuần sống. Nhưng theo tôi thì thích hợp hơn cả cho việc nhận diện bản thân thì ta nên tự lượng giá theo ngày sống. Cách thức cụ thể như sau:
Bước 1: Chọn cho mình một thời điểm thích hợp với lịch sinh hoạt của bản thân. Tốt nhất là trước khi đi ngủ.
Bước 2: Chọn cho mình một không giác thích hợp với tính chất của hoạt động này như: có đủ yên tĩnh, hạn chế những âm thanh gây nhiễu, ít người qua lại. Ngoài ra những yếu tố như không gian ấm cúng có vài cây nến, ánh sáng dễ chịu, hài hòa tránh dùng ánh sáng trắng nên dùng ánh sáng vàng,…sẽ gúp ta dễ tập trung và đạt kết quả cao hơn.
Bước 3: Chọn tư thế phù hợp và thỏa mái nhất đối với bản thân có thể là ngồi, đứng, nằm…để tiến hành tự vấn.
Bước 4: Thả lỏng cơ thể có thể kết hợp với vài nhịp hít thở sâu.
Bước 5: Hồi tưởng - đánh giá
Hồi tưởng và đánh giá các hoạt động hoặc các phản ứng mình đã thực hiện trong ngày theo thứ tự thời gian từ lúc ngủ dậy cho đến bây giờ. Cứ mỗi hoạt động hoặc tình huống ta sẽ nhớ lại khung cảnh, thời gian, thành phần tham dự vào hoạt động đó. Kết hợp với việc đặt và trả các câu hỏi: Mình đã làm gì? Mình đã làm như thế nào? Mình làm có đúng không? Hoạt động của mình còn có những hạn chế nào? Phản ứng của mình trước tình huống đó như thế nào? Mình ứng xử như vậy đúng hay sai? Nếu tình huống đó hay hoạt động ấy tái lập ta sẽ làm như thế nào?...
Bước 6: Tổng kết
Sau khi hồi tưởng và đánh giá các hoạt động ta đặt ra và trả lời những câu hỏi sau: Cả ngày sống hôm nay, mình biểu hiện như thế nào? Tốt hay xấu? Một cách khách quan nhất, mình thấy hôm nay mình là người như thế nào? (tốt hay xấu, có những ưu khuyết điểm gì) Và bản thân mình phát triển tới đâu sau ngày hôm nay? (mình học được những gì mới, cải thiện được cái gì cho bản thân)
Bước 7: Kết thúc
 Lưu ý: Tự vấn hằng ngày có thể thực hiện để đạt nhiều múc đích khác nhau như để nhận diện bản thân, trau dồi bản thân, tìm sự bình an,…nên thời gian cho việc tự vấn này là không hạn định tùy theo nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên nếu để thực hiện mục đích nhận diện bản thân hiệu quả thì khoảng thời gian phù hợp là từ 15 – 20 phút. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và tránh sự nhàm chán ta có thể chọn những hoạt động tiêu biểu trong ngày để lượng giá thay vì lượng giá tất cả.
c. Tự lượng giá sau một quãng đường của cuộc đời
Ngoài hai loại trên, tự lượng giá còn có một loại khác phù hợp với việc nhận diện bản thân là tự lượng giá sau một quãng đường của cuộc đời. Đây là hình thức chủ thể tự nhìn nhận, kiểm tra đánh giá bản thân sau một quá trình hoạt động hay một chặn đường, một giai đoạn của cuộc đời. Ví dụ như một học sinh tự nhìn nhận lại quá trình học tập của mình trong những năm học cấp ba, hoặc sau khi học xong đại học người này lại tự lượng giá bản thân mình trong suốt bốn năm học đại học kia, hoặc một người trước khi kết hôn ngồi nhìn lại quãng đời thanh niên của mình…
Lượng giá theo cách thức này là chủ thể tiến hành hồi tưởng kết hợp với việc tự đặt và trả lời cho các câu hỏi: Biểu hiện của mình trong suốt quá trình vừa qua như thế nào? Tốt hay xấu? Mình có những ưu khuyết điểm nào trong chặn đường vừa đi qua? Mình đã học được những gì? Hoàn thiện bản thân ở những điểm nào? Hiện tại mình là người như thế nào?...Sau đó sẽ rút ra một kết luận chung về bản thân trong quá trình vừa qua.
Một số điểm lưu ý khi thực hiện cách thức này là phải giành một lượng thời gian đủ dài để có thể hồi tưởng và nhận định một cách đúng đắn bản thân trong suốt một chặn đường dài. Mặt khác, vì đây là cách thức lượng giá sau một quá trình dài với rất nhiều hoạt động và phản ứng của con người nên ta không thể lượng giá tất cả chúng, mà chỉ nên lượng giá những hoạt động, những thời gian tiêu biểu mà thôi. Ngoài ra để lượng giá theo cách này thì chủ thể phải biết chọn thời điểm nào lượng giá cho hợp lý. Thời điểm lượng giá theo cách thức này được phân loại một cách tương đối theo các dạng sau:
Theo lứa tuổi: tuổi thiếu nhi, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi già.
Theo quá trìnnh hoạt động chủ đạo: thời kì học cấp tiểu học, học trung học cơ sở, học trung học phổ thông, thời kì học đại học, thời kì lao động, thời kì nghỉ hưu…
Hoặc theo các mốc mà chủ thể tự xác định là những mốc, những bước ngoặc then chốt của cuộc đời chủ thể.
Lượng giá theo cách này có ưu điểm là giúp ta có một cái nhìn toàn vẹn và khá chính xác về bản thân hơn các hình thức trên. Cũng chính vì thế mà nhược điểm của nó là mất khá nhiều thời gian: một buỗi, một ngày có khi vài ngày mới có thể nhận diện một cách toàn diện, đầy đủ về bản thân được. Ngoài ra, nhận diện theo cách thức này ta khó mà nhận diện được những nét nhỏ của bản thân. Vì những nét nhỏ đó được bộc lộ trong những hoạt động, phản ứng của con người thường ngày. Nhưng sau một quá trình dài thì ta khó mà nhớ chi tiết các tình huống, các hoạt động một cách chính xác và cụ thể.
3. Tự vấn bằng cách soi chiếu:
Trong cách thức trên ta đã nói đến việc nhận diện bản thân dựa trên chính những trãi nghiệm về các hoạt động, các phản ứng trong cuộc sống thường ngày. Ở cách thức này ta sẽ xét hình thức tự vấn dưới một khía cạnh khác. Khía cạnh nhận diện bản thân dựa trên trãi nghiệm, kiến thức, hoạt động, phản ứng của người khác.
Tự vấn bằng soi chiếu là cách thức chủ thể dung những kiến thức, hoạt động, trãi nghiệm của những yếu tố từ bên ngoài để phân tích, đánh giá bản than. Qua đó chủ thể nhận diện được chính mình. Hay nói nôm na là lấy mình soi vào đối tượng khác để nhận ra chính mình.
Dựa vào đối tượng của việc soi chiếu tôi chia cách này thành hai loại: soi chiếu với người người khác và soi chiếu với sản phẩm của người khác.
a. Soi chiếu với người khác
Đây là loại hình chủ thể tự lấy những hoạt động, kiến thức của người khác làm mẫu để nhìn nhận và rút ra nhận định về bản thân mình.
Những đối tượng của chủ thể trong loại hình này có thể là những người tiếp xúc trực tiếp với chủ thể như : cha mẹ, thầy cô, anh chị em, bạn bè, đối tác...hoặc có thể là các thần tượng của bản thân như các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, nghệ thuật...mà chủ thể hâm mộ hay là những mẫu người mà chủ thể cho là lý tưởng như trong đạo Ki tô là Chúa Giêsu, Đức Mẹ...hoặc trong đạo Phật là Đức Phật Thích Ca hay Quan Thế Âm...
Cách thực hiện tương ứng với loại hình này là chủ thế nhớ lại, liên tưởng đến những hoạt động, vốn kiến thức, kinh nghiệm, hành vi, ứng xử của người đó để rồi soi chiếu vào những hoạt động, vốn kiến thức, kinh nghiệm...của bản thân. Rồi tự đặt và trả lời các câu hỏi như : Mình khác người ấy những điểm nào ? Có điểm nào mình hơn người ấy không ? Có điểm nào mình thua người ấy không ? Nếu như trong cùng trường hợp đó thì mình có hành động như người đó không ? Hay mình sẽ hành động khác ?...Sau đó, chủ thể đánh giá và rút ra nhận định về chính bản thân mình.
Cách thức này có ưu điểm là khá linh hoạt trong việc chọn đối tượng, thời gian, cũng như địa điểm để soi chiếu. Có thể thực hiện ngay lúc tiếp xúc, sau khi tiếp xúc với đối tượng, cũng có thể để cuối ngày hoặc lúc khác, cũng có thể thực hiện trên dường ngủ, trên xe...Tuy nhiên hình thức này dễ làm cho cúng ta có xu hướng xét đoán và phê phán người khác. Nên vấn đề ở đây là ta phải xác định một cách rõ ràng là mục đích hành động của ta là mượn người ta để nhận định về mình chứ không phải là bới móc, phê phán người ta.
b. Soi chiếu với sản phẩm của người khác
Đây là loại hình chủ thể dựa vào các sản phẩm của người khác để nhận định về bản thân của mình. Sản phẩm của người khác có nhiều dạng khác nhau như : sách, báo, truyền hình, một bài hát, một câu thơ, một câu châm ngôn...
Cách thức này được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống. Người ta có thể dựa vào nội dung của một bộ phim tâm lý xã hội để nhìn nhận lại bản thân mình. Hay khi nghe một câu châm ngôn, một câu ngạn ngữ hay ta cũng soi chiếu để xem mình đã thực hiện được hay chưa...Ở đề tài này, tôi xin phép chỉ phân tích và đưa ra một số hướng dẫn về cách soi chiếu với sách.
Sách được sử dụng trong hình thức soi chiếu để nhận diện bản thân rất phong phú. Nó có thể là một cuốn truyện, một cuốn sách mang tính nhân văn, cũng có thể là một cuốn sách nói về kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, hay một cuốn sách nói về kĩ năng sống, triết lý sống như cuốn Kinh Thánh đối với người Công giáo hoặc cuốn Kinh Phật đối với Phật tử...
Cách đơn giản nhất để thực hiện loại hình này là chủ thể đọc sách và đối chiếu những điều đang đọc với chính con người mình qua đó đưa ra nhận định về bản thân. Ví dụ như đọc các bài toán đố, ta có giải được nhiều bài một cách nhanh chóng thì ta có thể đưa ra nhận định ta là một người có tư duy logic tốt và ngược lại nếu ta giải không ra thì có thể nhận định tư duy logic của ta không được nhạy bén lắm. Tuy nhiên có nhiều loại sách mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc tâ cần thực hiện soi chiếu một cách công phu hơn để có thể nhận ra mình một cách hiệu quả nhất cụ thể như sau :
Bước một : Chọn sách
Sách phù hợp cho việc làm này là những sách chứa đựng tính triết lý, nhân văn và nghệ thuật sống cao
Bước hai : Chọn không gian địa điểm
Không gian không nhất thiết phải ở một nới nào nhưng nó cần đủ sự thoả mái, yên tĩnh và ít những yếu tố gây nhiễu.
Thời gian thì tùy ý, chọn một thời điểm phù hợp với lịch sinh hoạt của bản thân.
Bước ba : Đọc sách
Có thể đọc theo thứ tự đến đoạn nào hay thì dừng lại để soi chiếu hoặc là đọc ngẫu nhiên tức là lật sách ra trúng đoạn nào thì đọc đoạn đó.
Xác định đoạn, hoặc câu có ý nghĩa với bản thân.
Đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn hoặc câu đó.
Bước bốn : Thả lỏng bản thân
Thả lỏng các cơ, các bộ phận của thân thể sau đó cố dừng lại các suy nghĩ khác không liên quan đến chủ đề ta đang soi chiếu. Ta nên kết hợp đồng thời với vài nhịp hít thở sâu sẽ dễ dàng giúp ta tập trung hơn.
Bước năm : Soi chiếu
Ta lặp đi lặp lại ý tưởng của câu nói hoặc đoạn văn vừa chọn. Sau đó từ từ soi chiếu ý tưởng trên vào nhận thức, ý chí, tình cảm, thái độ, hoạt động của ta và xem thử so với ý tưởng trên bàn thân mình đã thực hiện tới đâu ? Đã đạt hoặc chưa đạt chỗ nào ? Tiếp theo là rút ra nhận định về bản thân dựa trên những so sánh đó.
Bước sáu : Kết thúc
4. Thiền định
Thiền định hay tĩnh tâm cũng là một dạng của hình thức tự vấn. Có thể hai phần trền cũng đã nhắc đến phần nào loại hình này. Nhưng vì tính tích cực và tầm quan trọng của nó trong việc nhận diện bản thân nên tôi tác nó ra một dạng riêng biệt.
Thiền định hay tĩnh tâm là một hình thức thể hiện việc chủ thể gạt bỏ những lo toan bộn bề trong cuộc sống để trở về với thực tại nội tâm và đối diện với chính mình. Qua đó chủ thể có một cái nhìn thấu đáo về bản thân cũng như giúp cho bản thân hình thành những trãi nghiệm mới, giữ được thăng bằng trong cuộc sống và tìm được sự thanh thoát cho tâm hồn, để rồi có một sức mạnh, một động lực để thực hiện những hoạt động trong cuộc sống một cách tốt nhất.
Đối với phương diện nhận biết bản thân thì thiền định có vai trò rất lớn vì nếu thực hiện đúng thì theo nguyên tắc của thiền định ta sẽ gạt bỏ tất cả những yếu tố khách quan chi phối để đối diện với chính bản chất của con người ta. Nên trong trạng thái thiền ta có thể gặp được chính con người đích thực của mình.
Có rất nhiều cách thiền khác nhau. Nhưng trong đề tài này tôi xin đề cập đến một cách thiền của trường phái Yoga Raja vì có lẽ nó phù hợp với mọi người và với mục đích nhận diện bản thân của đề tài này. Cách thiền này được thực hiện theo các bước sau :
Bước 1 : Chọn thời gian, địa điểm
Cũng như các cách đã đề cập ở trên. Chủ thể có thể chọn cho mình một không gian, thời gian phù hợp với bản thân. Khuyến khích thực hiện vào mỗi buỗi tối trước khi đi ngủ vì đây là thời gian ta dễ nhìn lại mình nhất và trong một không gian thỏa mái, yên tĩnh, nếu như có nhạc không lời mang tính nhẹ nhàng được mở nho nhỏ nữa thì càng tốt.
Bước 2 : Thả lỏng bản thân
Gồng các cơ trên cơ thể sau đó từ từ thả lỏng và cảm nhận sự dễ chịu đó. Tiếp theo ta tập trung ý thức vào các bộ phận, các cơ quan trên cơ thể, bắt đầu từ chân đến bụng, ngực, tay, cổ, đầu, khuôn mặt...Ý thức đi đến bộ phận nào thì ta thả lỏng hết bộ phận đó ra.
Sau khi thả lỏng các bộ phận của cơ thể ta chuyển sang thả lỏng ý nghĩ. Đây là một việc hết sức khó khăn trong những lần luyện tập đầu tiên. Nên ta cần có sự cố gắng tập trung không suy nghĩ bất cứ điều gì. Hãy để hồn mình hòa theo làng điệu êm nhẹ của bài hát. Đồng thời ta nên kết hợp với những nhịp hít thở sâu.
Bước 3 : « Đi dạo »
« Đi dạo » hay tìm về nơi thanh bình là giai đoạn mà ta hòa theo tiếng nhạc để đưa mình đến một nơi mà mình cho là bình an, thanh thản. Đó có thể là một bờ biển với sóng vỗ êm đềm và bãi cát trắng mịn, đó cũng có thể là một cánh đồng bát ngát hương hoa với những cánh chim bay dập dờn trong gió, đó cũng là những khoảng lặng của kí ức tuổi thơ ngọt ngào...tùy theo quan niệm của mỗi người mà chọn và đưa mình đến chỗ ấy. Sau khi đến với nơi yên bình ấy. Ta hãy thực hiện những nhịp hít thở thật sâu với suy nghĩ như sau : Mỗi lần hít vào thì ta nghĩ rằng ta đang hít những cảnh vật, cái không gian và cái hương sắc thanh bình ấy vào tâm hồn. Hãy để từng luồn khí thâm nhập từ từ vào người ta như những hương sắc tuyệt vời đang thẩm thấu từng tế bào, từng mô của ta vậy. Và mỗi lần thở ra ta hãy nghĩ rằng mình đang trút bỏ mọi công việc của cuộc sống, tất cả những mệt nhọc, khó chịu, bực bội của cơ thể ra bên ngoài. Sau khi thực hiện những hành động này ta sẽ thấy người mình dễ chịu hơn, ít bị chi phối bởi những tác nhân khách quan hơn và có một sự thăng bằng và tỉnh táo hơn để đến với bước tiếp theo
Bước 4 : « Tìm về chính mình »
Chủ thể tự hồi tưởng và đặt cũng như trả lời các câu hỏi : Hôm nay mình đã sống như thế nào ? Điều gì khiến mình thích nhất ? Điều gì khiến mình khó chịu nhất ? Tại sao ? Mình đã làm đúng những gì ? Mình đã làm cái gì chưa tốt ? Mình còn có hạn chế nào cần phải sửa? Mình có ưu điểm nào nội trội ?...
Cách hồi tưởng có thể là đi theo thứ tự thời gian, đi theo những sự kiện chính đã xảy ra, cũng có thể là chỉ xét trong một hoạt động nào đó...
Bước 5 : Đưa ra nhận định chung về bản thân
Bước 6 : Kết thúc
Ưu điểm lớn của loại hình này là nếu làm đúng thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong việc nhận diện bản thân. Cũng vì thế hạn chế của nó là rất khó thực hiện và để đạt được « cảnh giới » cao thì phải luyện tập rất nhiều và thường xuyên nên đòi hỏi ở người thực hiện phải có một ý chí mạnh và tinh thần bền bỉ.
IV. Ưu và nhược điểm của hình thức tự vấn trong việc nhận diện bản thân.
1. Ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất là chủ động của hình thức này. Ta có thể tự do thực hiện nó mà không phải dựa vào hay cần sự hổ trợ của người khác.
Ưu điểm khác nữa của hình thức tự vấn là tính linh hoạt. Ta có thể thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Từ đơn gian như suy nghĩ một câu nói đến phức tạp như thiền định.
Ngoài ra ưu điểm của phương pháp này còn thể hiện ở tính hiệu quả. Vì không ai có thể hiểu bản thân ta hơn chính ta. Nên tụ mình suy xét về mình là điều chính đáng và phù hợp nhất trong các loại phương pháp.
2. Khuyết điểm : Bên cạnh những ưu điểm trên thì tự vấn cũng có một số nhược điểm như
Tự vấn mang nặng tính chủ quan. Nếu không được sử dụng một cách đúng đắn và có một định hướng rõ ràng thì chủ thể dễ có một cái nhìn thiếu khách quan, sai lệch về bản thân.
Ngoài ra hình thức này còn đòi hỏi ở chủ thể một vốn nhận thức đúng đắn nhất định. Vì nếu như nhận thức của chủ thể sai thì kết quả của quá trình tự vấn cũng sai.
Không những thế, hình thức này để thực hiện hiệu quả thì đòi hỏi cần có một không gian đủ thanh tịnh. Nên không thể ở đâu cũng thực hiện được.

TỔNG KẾT
Nhận thức bản thân là một việc làm hết sức quan trọng. Có nhận thức đúng đắn và đầy đủ bản thân ta mới có thể chữa lành và làm mới nội tâm mình. Khiến chúng ta biết mở lòng hơn, yêu thương hơn mà không có bất cứ sự tổn thương hay lệ thuộc nào. Nhờ đó ta có thể gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và đem lại cho mình một sự an nhiên trong tâm hồn. Bất cứ một sự thành công hay nhận thức nào cũng đòi hỏi ở ta sự nổ lực và cố gắng. Nhận diện bản thân thì cũng vậy, nó cần ở ta một sự cố gắng và nổ lực không ngừng. Hình thức tự vấn có nhiều dạng khác nhau và mỗi dạng lại có mỗi ưu khuyết điểm và tác dụng nhất định. Nên ta cần biết chọn lựa và kết hợp các loại hình sao cho phù hợp nhất. Tuy bên cạnh những tác dụng to lớn mà hình thức này mang lại, nó vẫn có những tồn tại đáng tiếc đặc biệt là tính chủ quan. Nên để có một sự nhận diện đúng đắn và chính xác nhất về bản thân ta cần kết hợp với các phương pháp khác nữa.



« Ẩn sâu bên trong mỗi người là bản chất gốc rễ của tâm hồn chờ đợi ngày được trải nghiệm, được công nhận và được nhận thức rõ. »
- Roger Cole -


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lm. Nguyễn Tầm Thường: “Cánh hoa trên ghành núi đá”, Nxb Tôn giáo.
2. Roger cole: “Mission of love”, Nxb Hachette Livre Australia.
[/size]
Về Đầu Trang Go down
 
Nhận diện bản thân bằng hình thức tự vấn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Lý thuyết về hình thành nhận thức ở trẻ em
» Chuyên đề: Nhận diện và loại bổ stress
» TLH nhận thức
» Nhất Nguyên: in băng rôn, in quảng cáo, hình ảnh sắc nét, giá cạnh tranh (35.000đ/1 m)
» Nhất Nguyên: in băng rôn, in quảng cáo, hình ảnh sắc nét, giá cạnh tranh (35.000đ/1 m)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học giao tiếp-
Chuyển đến