NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH

Go down 
Tác giảThông điệp
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitimeThu Sep 10, 2009 7:42 pm

Trong cuốn Khoa học chẩn đoán tâm lý, PGS. TS Trần Trọng Thuỷ đã cho biết ngay từ năm 1949, G.Allpon đã dẫn ra 50 định nghĩa khác nhau về nhân cách. Ngày nay, đã có tới hàng trăm định nghĩa. Chúng ta có thể kể đến đó là:
- Tư tưởng phương Đông cổ đại về nhân cách. Các tư tưởng này thể hiện chủ yếu ở học thuyết kinh dịch âm dương ngũ hành, học thuyết của Khổng Tử về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín…
- Tâm lý học phương Tây về nhân cách thể hiện ở các lý thuyết như Phân tâm của S. Phơrớt, thuyết Siêu đẳng và bù trừ của A.Átlơ, thuyết lo lắng của K. Hoocnây, thuyết phát huy bản ngã của A.Matxlâu, thuyết Đặc trưng của G.Ônpooc, thuyết Nhu cầu tâm lý của H. Murây, thuyết Tương tác xã hội của G.Mít, thuyết Liên cá nhân của R.Siơ, thuyết Cái tôi của C. Rôgơ, thuyết Trường tâm lý của K. Lêvin, thuyết Chạy trốn tự do của Ph. Fom, thuyết tâm lý học thể trạng của Selđom, lý thuyết nhân tế về tâm lý nhân cách của Cattell, Âyxen…Trừ thuyết phân tâm của S.Phơrơt, những thuyết trên đây đều có xu hướng ngày càng phủ định nguyên nhân sinh vật của sự thù địch giữa nhân cách và xã hội, nhấn mạnh đến nhu cầu “nhân văn”của con người, đều cố gắng chứng minh khả năng phát triển không ngừng của nhân cách, phát hiện những hiện tượng, những sự kiện phong phú trong đời sống tâm lý thực tế của con người, chú ý đến tính đặc trưng và tính cơ động của nhân cách, đề xuất một số phương pháp nghiên cứu có giá trị.
- Xu hướng nghiên cứu nhân cách ở Liên Xô (trước đây): Trong tâm lý học Xôviết, ta cũng gặp nhiều định nghĩa khác nhau về nhân cách. Gs.Vs Phạm Minh Hạc trong bài viết “Cách tiếp cận nghiên cứu tâm lý học nhân cách” trên tạp chí Tâm lý học tháng 2 - 2004 đã nêu lên một số tác giả đại diện cho các lý thuyết khác nhau sau đây: Lý thuyết nhân cách của D.N.Udơnatde (1886 - 1960), nhân cách trong luận điểm triết học - tâm lý học của C.I.Rubinstêin (1889 - 1960), lý thuyết nhân cách của B.G.Ananhiep (1907 - 1972), quan điểm của A.G.Kôvaliôp về nhân cách, quan điểm của K.K.Platônôp về nhân cách, cách tiếp cận nhân cách, luận điểm của V.N.Miaxisep (1892 - 1973) về nhân cách, cách tiếp cận nhân cách của A.N.Lêônchiep (1903 - 1979).
1. Tư tưởng phương Đông cổ đại về nhân cách
Các nhà tư tưởng triết học phương Đông cổ đại cho rằng con người là tiểu vũ trụ, mang những đặc tính của vũ trụ. Những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Con người liên hệ với vũ trụ bao la nên con người cần biết được các thông tin của vũ trụ. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm dương, vừa đối lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hoá lẫn nhau, trời - đất - người hợp thành một (thiên - địa - nhân hợp nhất). Mạnh Tử nhận xét: Khi phát triển hết mình, con người có thể biết trời mà còn hợp nhất với trời làm một.
Tính cách của con người chịu ảnh hưởng của ngũ hành và chia ra loại người: Kim, Hoả, Thổ, Mộc, Thuỷ. Người mệnh Kim ăn ở có nghĩa khí, nếu Kim vượng thì tính cách cương trực. Người mệnh Hoả thì lễ nghĩa, đối với mọi người nhã nhặn, lễ độ, thích nói lý luận; nhưng nếu Hoả vượng thì nóng nảy, vội vã, dễ hỏng việc. Người mệnh Thổ trọng chữ tín, nói là làm; nếu Thổ vượng thì hay trầm tĩnh, không năng động, dễ bỏ thời cơ. Người mệnh Mộc hiền từ, lương thiện, độ lượng; Mộc vượng thì tính cách bất khuất. Người mệnh Thuỷ thì khúc khuỷu, quanh co, nhưng thông suốt; nếu Thuỷ vượng thì tính tình hung bạo, dễ gây tai hoạ.
Người phương Đông đánh giá con người qua chất là chủ yếu, lượng là phụ. Người phương Đông lấy “Tâm thiện” là lý tưởng. Phương Tây tôn sùng tiến bộ, tôn sùng văn minh vật chất, không quan tâm nhiều đến phẩm chất. Do đó nhiều người đã than phiền rằng đạo lý ngày nay suy đồi, nhân cách con người thoái hoá không bằng ngày xưa.
Người phương Đông đề cao tính thiện, tính nhân, thích sự im lặng, nhẹ nhàng, đề cao sự cân bằng không thái quá. Mọi tu nhân, xử thế, chính trị đều hướng tới Thiện. Biết đủ là giàu, giản dị ở vật chất, giản dị trong nội tâm, trong ngôn từ, trong quan hệ với mọi người.
Khổng Tử quan niệm về nhân cách con người thể hiện ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong đó Nhân là gốc và chỉ có người “Đại nhân” mới có Nhân.
Về nhân cách con người Việt Nam , trong cuốn Tâm lý học Nhân cách, tác giả Nguyễn Ngọc Bích đã thống nhất với quan điểm của Gs.Trần Văn Giàu về đặc điểm nhân cách người Việt Nam gồm bẩy phẩm chất: Yêu nước, cần cù, anh hùng, lạc quan, sáng tạo, thương người, vì nghĩa. Và đưa thêm vào một nét đặc trưng nữa là sự thích ứng, hoà nhập của con người với người khác trong và ngoài cộng đồng của mình, hoà nhập với thiên nhiên…
Trên đây là những nét sơ lược về tư tưởng phương Đông cổ đại có liên quan đến nhân cách con người. Nó nói lên hoàn cảnh và phương thức sống của con người phương Đông. Tuy vậy, đây chưa phải là những quan điểm, học thuyết về nhân cách.
.2. Quan niệm về nhân cách trong tâm lý học phương Tây.
Như ở trên có nói, ở phương Tây có nhiều học thuyết khác nhau về nhân cách. Chúng tôi chỉ đi vào một vài trường phái lớn trong tâm lý học phương Tây về nhân cách như Phân tâm học, trường phái Gestalt, tâm lý học nhân văn về cả nhân cách, tâm lý học nhận thức của Piagiê về nhân cách.
Về Đầu Trang Go down
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitimeThu Sep 10, 2009 7:42 pm

2.2.1. Phân tâm học về nhân cách
Theo Phơrơt (1856 - 1939) người sáng lập ra trường phái Phân tâm học, cấu trúc nhân cách con người gồm: Cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi, tương ứng với vô thức, ý thức và siêu thức.
Khối vô thức là khối bản năng, trong đó bản năng tình dục giữ vị trí trung tâm. Khối vô thức (id) là thùng năng lượng tâm thần chất chứa những khát vọng bản năng sôi sục. Hoạt động của “cái ấy” theo nguyên tắc khoái cảm đòi hỏi sự thoả mãn ngay lập tức những khát vọng bản năng. Vô thức là cái ngấm ngầm điều khiển, điều chỉnh hành vi con người.
Khối ý thức tương đương với cái “tôi” (ego). Cái tôi được hình thành do áp lực thực tại bên ngoài đến toàn bộ khối bản năng. Nó đảm bảo các chức năng tâm lý như chú ý, trí nhớ…Hoạt động của cái tôi theo nguyên tắc thực tại. Nhiệm vụ của cái tôi là làm cho cái ấy thoả mãn mà không làm tổn hại đến cơ thể, làm giảm sự căng thẳng một cách tốt nhất.
Siêu tôi (superego): Siêu tôi là tổ chức bên trong bao gồm tất cả phạm trù xã hội, đạo đức, nghệ thuật, giáo dục. Siêu tôi hoạt động theo nguyên tắc kiểm duyệt.
Cả ba khối này theo nguyên tắc chung là ở trạng thái thăng bằng tương đối: Con người lúc ấy ở trạng thái bình thường. Nhưng cả ba khối này luôn luôn xung đột với nhau, sự xung đột này là cơ chế của hoạt động tâm thần.
Từ quan niệm như trên S.Phơrơt nêu ra cơ chế hoạt động tâm lý của con người. Đó là cơ chế kiểm duyệt, chèn ép, cơ chế biến dạng, cơ chế siêu thăng, cơ chế suy thoái.
Con người sống gồm các bản năng. Xu hướng của các bản năng này là luôn vươn lên chiếm đoạt những cái khác (cái tôi và siêu tôi). Nhưng cái bản năng luôn bị sự chèn ép, kiểm duyệt của cái tôi. Do đó, nó phải biến dạng bằng một hình thức nào đó như bệnh tâm thần, nói lắp, nói nhịu. Trong trường hợp không thoát lên được thì nó siêu thăng. Chẳng hạn như trường hợp của danh hoạ Leôna Đơ Vanhxi đã biến cái say mê tình dục thành nghệ thuật hội hoạ.
Cái siêu tôi thể hiện ở sự dạy dỗ, quy định của bố mẹ, thể hiện trong truyền thống của thế hệ trước truyền lại. Cơ chế tâm lý của việc hình thành siêu tôi là sự đồng nhất hoá - cá nhân đồng nhất với cha mẹ và những người giáo dục.
- Các giai đoạn phát triển nhân cách
S. Phơrơt chia sự phát triển nhân cách con người thành bốn thời kỳ (ba giai đoạn đầu gọi là tiền sinh dục)
+ Giai đoạn lỗ miệng (Onal): Có từ lúc trẻ mới sinh, trẻ tìm thấy khoái lạc ở miệng như mút vú mẹ, cho các đồ vật vào mồm.
+ Giai đoạn hậu môn (Anles): Ở trẻ năm thứ hai và năm thứ ba. Giai đoạn này trẻ chú ý tìm khoái lạc của hoạt động hậu môn.
+ Giai đoạn âm vật và dương vật: Giai đoạn này trẻ chú ý đến bộ phận sinh dục, nảy sinh ra tình cảm lãng mạn đối với cha hoặc mẹ, người khác giới.
+ Trong ba giai đoạn trên, cá nhân hướng đến bản thân mình. Đến giai đoạn thứ tư, cá nhân hướng ra đối tượng bên ngoài bắt đầu từ tuổi dậy thì. Các năng lượng của con người đựơc sử dụng ở mục đích khác nhau như đi học, vui chơi, bắt chước, hướng ra đối tượng khái giới để làm tình…
- Đánh giá học thuyết phân tâm của S. Phơrơt: đã đưa ra giả thuyết về vô thức tiềm thức là những mặt quan trọng trong đời sống tâm lý của con người. S. Phơrơt đã khám phá một thế giới vô thức mà trước đây chưa được khám phá. Mặt khác, đóng góp của S. Phơrơt còn ở chỗ đưa ra một số cơ chế tâm lý như cơ chế tự vệ, dồn nén, mặc cảm, đồng nhất hoá, các giai đoạn phát triển nhân cách. S.Phơrơt đã lần đầu tiên đưa ra được mô hình tâm lý để chữa bệnh tâm thần có hiệu quả. Phương pháp chữa bệnh bằng “liên tưởng tự do” đã được sử dụng khá rộng rãi và hiệu quả trong điều trị bệnh tâm thần.
Về mặt nhược điểm
+ S.Phơrơt đã quá nhấn mạnh đến mặt vô thức trong con người, không thấy được mặt bản chất trong ý thức tâm lý của con người, không thấy được bản chất xã hội - lịch sử của các hiện tượng tâm lý người. Mặt khác, quan niệm về con người và nhân cách con người của S.Phơrơt bộc lộ những khía cạnh không đúngđắn: con người trong học thuyết phân tâm là con người sinh vật, con người cơ thể bị phân ly ra nhiều mảng, con người với những mong muốn là những đam mê tính dục luôn đối lập với xã hội. Hơn nữa, những quan điểm của S.Phơrơt khó được chứng minh bằng thực nghiệm, đồng nhất tâm lý trẻ em với tâm lý người lớn, tâm lý người bị bệnh và tâm lý người bình thường.
Chính vì những hạn chế nói trên, một số nhà tâm lý học từng theo quan điểm của S.Phơrơt đã tách ra thành phân tâm học mới.
- Phân tâm học mới về nhân cách
+ K.Jung (1879 - 1961) cho rằng hành vi con người được điều chỉnh bằng vô thức và cả ý thức. Đó là quá trình điều chỉnh tổng hợp, là một hệ thống tự điều chỉnh. Ông cho rằng con người có vô thức đạo đức bẩm sinh. Các hoạt động của con người có tính chất bản năng và tạo thành vô thức tập thể. Điều đó được thể hiện trong nền văn hoá dân tộc cũng như trong nghệ thuật. Ông cho rằng có vô thức tập thể bởi vì mỗi người đều tiềm tàng trong mình một di sản tinh thần được truyền từ nhiều thế hệ trong một nền văn hoá dân tộc và nền văn minh nhân loại. Chính vì vậy, hình thức phản ứng của mỗi cá nhân cũng giống nhau. Jung không thừa nhận bản năng tình dục là quyết định tâm lý con người như S.Phơrơt quan niệm, nhưng ông lại thừa nhận trong con người có vô thức. Vì vậy, bản chất học thuyết của Jung vẫn là học thuyết phân tâm được cải biến thành học thuyết phân tâm học mới. Trong cấu trúc nhân cách của Jung, cái tôi là trung tâm của ý thức. Nhân cách là mẹ của ý thức. Vô thức là mẹ của tâm lý tập thể và tâm lý cá nhân. Quan điểm của Jung về nhân cách còn gọi là lý luận nhân cách tầng sâu. Lý luận nhân cách tầng sâu xuất phát từ quan niệm vô thức. Vô thức được xác định bằng những sự kiện của hành vi. Đó là những bản năng trực tiếp và bản năng tức thời. Lý luận nhân cách tầng sâu là một khám phá mới về vô thức. Song điều này chưa đủ để nói lên bộ mặt nhân cách con người. Nhân cách con người còn thể hiện những phẩm chất cũng như bộ mặt đạo đức trong nó.
+ A. Atle (1870 - 1937) là nhà tâm lý học người Áo. Ông cho rằng tất cả hành vi của con người đều chịu ảnh hưởng xã hội. Nhân cách thống nhất với hoàn cảnh và môi trường xã hội. Ông vẫn cho vô thức bản năng hay năng lượng tâm hồn là những cơ chế của tính tích cực, xung đột và bảo vệ. Theo ông, con người luôn muốn hơn người khác, khi có nhược điểm trong lĩnh vực này lại siêu đẳng trong lĩnh vực khác. Đó là cơ chế bù trừ xuất phát từ động cơ xã hội (Phơrơt xuất phát từ động cơ tình dục). Ví dụ một cô gái kém cỏi về nhan sắc thì lại bù trừ trong lĩnh vực học hành.
Sự bù trừ là có thật trong đời sống con người. Nhưng sự bù trừ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố xã hội có tính chất quyết định. Ở đây, Atle quá thổi phồng tính chất bù trừ trong con người, mà không thấy vai trò hoạt động của con người trong xã hội.
+ E.Fromm (1900 - 1980) là nhà tâm lý học sinh ra ở Phrăngphuốc (Đức) sau chuyển sang Mỹ. Ông có ý đồ pha trộn phân tâm học của Phơrơt và học thuyết xã hội học của Mác vào nhau và xây dựng nên lý thuyết “chủ nghĩa nhân đạo mới”. Về tâm lý học, Fromm cho rằng cơ chế tự nhiên và xã hội trong con người là vô thức, đó là cái phi lý, hạt nhân của nhân cách. Nó biểu hiện sự mong muốn vươn tới cái phi lý, hạt nhân của nhân cách. Nó biểu hiện cho sự mong muốn vươn tới cái hài hoà toàn diện của con người. Sự tiến bộ xã hội là do tâm lý con người tạo ra. Ông đưa ra mô hình con người mới giữa các đặc điểm sau:
* Con người mới phải từ bỏ vật chất để sống thanh thản
* Con người phải làm cho cuộc đời có ý nghĩa
* Phải có lòng yêu thương và trân trọng cuộc sống
* Phải trau dồi tình yêu thương vốn có
* Phải khắc phục được tính tự yêu mình và chấp nhận tính chất hạn chế trong cuộc sống con người.
Tất cả những đặc điểm này thật đáng quý nhưng đó chỉ là con người trừu tượng, chung chung không thể thực hiện trong xã hội tư bản.
Cái sai của Fromm là dung hoà giữa chủ nghĩa Phơrơt và chủ nghĩa Mác. Sự thật không thể có cơ sở tự nhiên nào do Phơrơt tạo ra làm cơ sở cho chủ nghĩa Mác. Đồng thời, sự tiến bộ xã hội do động lực kinh tế quyết định chứ không do yếu tố tâm lý nào như Fromm giải thích.
Về Đầu Trang Go down
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitimeThu Sep 10, 2009 7:43 pm

Trường phái Gestal về nhân cách
Trường phái Gestal mang cấu trúc trọn vẹn dựa vào các phương pháp tư duy toán học và thực nghiệm để nghiên cứu hành vi con người. Nổi bật trong trường phái này là K.Lêvin. Nếu như hầu hết các nhà tâm lý học Gestal quan tâm đến vấn đề tri giác, tư duy thì K.Lêvin lại quan tâm đến vấn đề động cơ, nhân cách và tâm lý học xã hội. Ông đưa ra thuyết trường tâm lý, con người luôn luôn tồn tại trong một hoàn cảnh, một trường tâm lý nào đó. Ông quan tâm đến tiên trị âm và tiên trị dương trong cùng một không gian sống. Tiên trị dương là nhằm thoả mãn những nhu cầu nào đó của cá nhân (như kẹo với đứa trẻ). Các khái niệm “trường tâm lý”, “không gian sống” thể hiện một phương pháp mới miêu tả hành vi hiện thực của nhân cách. Về thuyết “trường tâm lý”, ông cho rằng thế giới xung quanh ta là thế giới của các sự vật và có những tiến tự nhất định. Vì vậy, con người luôn luôn tồn tại trong một hoàn cảnh, một trường tâm lý nào đó. Bằng thực nghiệm ông đã chứng minh sự có mặt của trường tâm lý và tiên tự của sự việc. Khái niệm “không gian sống” Lêvin đưa ra nhằm giải thích hành vi của nhân cách, không gian sống bao gồm cả trường tâm lý. Ông cho rằng, nếu ta biết rõ về không gian sống của con người; có những thông tin về người ấy thì có thể dự đoán hành vi của người ấy. Lý luận và các công trình thực nghiệm của Lêvin về không gian sống đã đưa ông chiếm một vị trí cao trong tâm lý học nhân cách. Các khái niệm “trường tâm lý”, “không gian sống” thể hiện một phương pháp mới miêu tả hành vi hiện thực của nhân cách. Ông đã khám phá động lực của mối quan hệ cá nhân và hoàn cảnh, nhu cầu, nguyện vọng. Ông đã sơ đồ hoá các khái niệm tâm lý bằng trường không gian, địa thế, véctơ.
Tuy vậy, lý luận về trường không gian sống cũng có những khó khăn mà không thể giải quyết được. Ví dụ ta không thể biết được cấu trúc và không gian sống của một con người. Hoàn cảnh con người sống luôn thay đổi, do đó không gian sống cũng thay đổi. Vì vậy, nếu dựa vào không gian sống thì khó đánh giá được nhân cách con người.
Quan điểm của K.Lêvin là quan điểm trường phái Gestal mang cấu trúc trọn vẹn. Nhân cách được xét trong hoàn cảnh, trong nhóm, nhưng những quy định về chính trị, kinh tế đối với hành vi nhân cách không được ông để ý đến một cách thoả đáng. Vì vậy, lý luận nhân cách của ông không tránh khỏi sự sơ lược trong quan niệm của Gestal.
2.2.3. Tâm lý học nhân văn về nhân cách
Trường phái tâm lý học nhân văn hình thành ở Mỹ như là một khuynh hướng đối lập với tâm lý học hành vi và phân tâm học. Nếu tâm lý học hành vi lấy điều kiện bên ngoài quyết định cho tâm lý con người thì phân tâm học lấy điều kiện bên trong làm nguyên tắc quyết định. Tâm lý học nhân văn khác với hai khuynh hướng trên là ở chỗ nó không tạo nên một bộ mặt lý luận thống nhất về nhân cách. Trường phái này là sự tổng hợp nhiều hướng mới và nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Nhưng những nhà tâm lý học nhân văn đều có chung những tư tưởng là tôn trọng con người, tôn trọng những phẩm giá cá nhân về con người. Họ cho rằng con người bẩm sinh là tốt và đề cao vai trò của hoài bão, khát vọng tự do cũng như khả năng vươn tới cái tốt đẹp trong con người. Động cơ chính trong cuộc đời là khuynh hướng tự thể hiện mình, khuynh hướng này là bẩm sinh và không ngừng thúc đẩy con người hướng đến hoạt động, giúp họ tự thể hiện mình.
Từ những quan điểm trên của trường phái tâm lý học nhân văn về nhân cách con người ta thấy tâm lý học nhân văn đã nhìn thấy được bản chất tốt đẹp trong con người. Đề cao hoài bão và nỗ lực vươn lên của con người. Tuy vậy tâm lý học nhân văn đã dựa vào những kinh nghiệm chủ quan để phân tích nhân cách con người, quay về với truyền thống tôn giáo nên rơi vào quan điểm duy tâm phản khoa học. Con người được tâm lý học nhân văn quan niệm giống như kiểu người được mô tả trong văn chương, tôn giáo diễn tả kiểu tư duy ước ao, mong muốn, không có những cơ sở thực tiễn để hiện thực hoá.
Người đầu tiên có công xây dựng nền tâm lý học nhân văn là H.Matxlâu (1908 - 1970) đã từng là chủ tịch hội tâm lý nhân văn đầu tiên ở Mỹ.
Về nhân cách, ông đưa ra hệ thống nhu cầu, quá trình nhận thức triệu chứng nhân cách và năng lực. Động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất là nhu cầu. Theo ông có thể chia ra năm loại nhu cầu theo thứ tự từ thấp đến cao và nếu nhu cầu cấp thấp không thoả mãn thì nhu cầu cấp cao cũng không thể thực hiện được.
Nhu cầu cấp cao:
- Nhu cầu thực tiễn
- Nhu cầu được thực hiện
- Nhu cầu yêu thương, lệ thuộc
Nhu cầu cấp thấp:
- Nhu cầu an toàn
- Nhu cầu sinh lý
H.Matxlâu cho rằng tính xã hội nằm trong bản năng của con người. Những nhu cầu như giao tiếp, lòng kính trọng đều có tính chất bản năng đặc trưng cho giống người. Các nhu cầu đều dựa trên cơ sở di truyền nhất định. Chính vì vậy, học thuyết nhu cầu của Matxlâu có quan điểm giống học thuyết của S.Phơrơt.
2.2.4. Quan niệm về nhân cách của J.Piagiê (1896 - 1980)
J.Piagiê nhà tâm lý học Thuỵ Sỹ chủ yếu nghiên cứu về tâm lý trẻ em, sự hình thành và phát triển trí tuệ, mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Ông cho rằng phải nghiên cứu cá nhân con người, đó là chủ thể của mối quan hệ xã hội. Khái niệm “cân bằng” là trung tâm trong học thuyết về nhân cách của ông. Ông dùng khái niệm “cân bằng” đề giải thích nguồn gốc của các cấu trúc thao tác. Nhờ có luật bù trừ mà có sự cân bằng trong tâm lý. Qua những công trình nghiên cứu về trí tuệ trẻ em, ông đã rút ra những bài học quý về nhân cách. Đó là sự cân bằng tâm lý, tính tự kỷ trung tâm sơ khai và con đường phát triển nhân cách. Ông khẳng định giáo dục đúng đắn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển nhân cách, cùng với nó là tôn trọng quyền con người.
Về Đầu Trang Go down
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitimeThu Sep 10, 2009 7:44 pm

Quan niệm về nhân cách của tâm lý học Macxit
Đứng trên lập trường, quan điểm của triết học duy vật biện chứng, nền tâm lý học Xôviết đã cống hiến cho nhân loại những thành tựu to lớn, phong phú, đa dạng không ai có thể phủ nhận được. Những nguyên tắc nghiên cứu tâm lý nói chung và nhân cách nói riêng của họ là:
- Nguyên tắc phản ánh: Tâm lý con người là phản ánh hiện thực khách quan thông qua não. Nó là hình ảnh phản chiếu hiện thực khách quan thông qua chủ thể mỗi người. Hình ảnh hiện thực khách quan đó thông qua mỗi người được thể hiện khác nhau do chủ quan của người ấy.
- Nguyên tắc quyết định luận. Đó là tồn tại quyết định ý thức. Tồn tại có trước, ý thức có sau. Vật chất quyết định ý thức. Vì vậy muốn nghiên cứu tâm lý con người phải nghiên cứu tồn tại con người, tức là hoàn cảnh con người sống và hoạt động.
- Nguyên tắc phát triển. Hiện thực khách quan luôn luôn biến đổi, tâm lý con người cũng luôn luôn biến đổi và phát triển. Vì vậy, nghiên cứu hiện tượng tâm lý nào cũng phải nhìn thấy sự phát triển không ngừng của nó. Trong tâm lý học nhân cách nguyên tắc phát triển lại càng quan trọng. Nhờ nguyên tắc này mà chúng ta đánh giá nhân cách con người không thể ở thể tĩnh mà luôn luôn động, nghĩa là trong sự phát triển và biến đổi của nó.
- Nguyên tắc thống nhất ý thức với hoạt động, hoạt động và nhân cách, chủ quan và khách quan, giữa xã hội và cá nhân, giữa các sinh vật và các xã hội. Hoạt động là phương thức tồn tại ý thức, nhân cách, cá nhân và xã hội. Nhờ có hoạt động mà ý thức, nhân cách cá nhân, xã hội mới tồn tại và phát triển. Vì vậy giữa chúng có sự thống nhất với nhau trên một phương diện nào đó.
- Nguyên tắc tiếp cận góc độ nhân cách đối với các hiện tượng tâm lý. Nguyên tắc này yêu cầu khi nghiên cứu một hiện tượng tâm lý nào phải gắn liền với nhân cách của người ấy với tư cách là một cá nhân cụ thể.
- Nguyên tắc tiếp cận cấu trúc hệ thống trong tâm lý học nhân cách. Nguyên tắc này đòi hỏi nghiên cứu nhân cách phải đặt nó trong một hệ thống cấu trúc nhất định. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được những vấn đề bản chất nhân cách.
2.3.1. Quan điểm của B.G.Ananhiep về nhân cách
B.G.Ananhiep đã xuất phát từ những khái niệm cá thể, chủ thể, khách thể, hoạt động, cá nhân để giải quyết vấn đề nhân cách. Ông cho rằng nhân cách là cá thể có tính chất xã hội, là khách thể và chủ thể của từng bước tiến lịch sử. Nhân cách không tồn tại ngoài xã hội, không tồn tại ngoài lịch sử. Sự phong phú của mối quan hệ xã hội của cá nhân đã tạo nên những đặc điểm của nhân cách. Cấu trúc nhân cách được dần dần hình thành trong quá trình cá nhân hoạt động trong mối quan hệ xã hội.
Ông đưa ra cấu trúc nhân cách theo hai nguyên tắc: Nguyên tắc thứ bậc và nguyên tắc phối hợp. Nguyên tắc thứ bậc là sự sắp xếp đặc điểm xã hội chung nhất quy định những đặc điểm tâm sinh lý. Nguyên tắc phối hợp là sự tác động qua lại giữa các thành phần độc lập tương đối và thành phần phụ thuộc.
Theo B.G.Ananhiep, để nghiên cứu con người với tư cách là nhân cách phải nghiên cứu xu hướng, tính cách, hành vi xã hội, động cơ hành vi, cấu trúc nhân cách, vị thế nhân cách, con đường sống của nhân cách trong xã hội. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học, tâm lý học, xã hội học, giáo dục học, đạo đức học phải quan tâm nghiên cứu.
Ananhiep coi con người là tiểu vũ trụ. Điều này rất tương đồng với quan niệm phương Đông về con người. Con người là tinh hoa của vũ trụ, trong con người có đại diện của quy luật vũ trụ. Quan điểm Ananhiep coi việc nghiên cứu nhân cách là tổng hợp các khoa học nghiên cứu về con người là một đóng góp quan trọng trong việc chỉ hướng nghiên cứu nhân cách. Nghiên cứu nhân cách không tách rời việc nghiên cứu con người và các khoa học khác nghiên cứu về con người.
2.3.2. Quan điểm của A.N.Lêônchiep về nhân cách
A.N.Lêônchiep (1903 - 1979) là nhà tâm lý học Nga kiệt xuất. Về mặt nhân cách, ông cũng có những quan điểm mới mẻ.
Leonchiep coi nhân cách như một cấu tạo tâm lý mới, được hình thành trong các quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của người đó. Khái niệm nhân cách thể hiện tính chỉnh thể của chủ thể cuộc sống. Nhân cách là một cấu tạo đặc biệt có tính trọn vẹn. Nhân cách là sản phẩm tương đối muộn của sự phát triển xã hội lịch sử và của sự tiến hoá cá thể của con người. Sự hình thành nhân cách là một quá trình riêng không trùng khớp với quá trình biến đổi các thuộc tính tự nhiên của cá thể. Những quá trình thần kinh của cá nhân sẽ không biến thành những thuộc tính nhân cách, mặc dù quá trình thần kinh sẽ không thiếu được trong quá trình hình thành nhân cách.
Muốn hiểu nhân cách phải dựa vào hoạt động của chủ thể để phân tích hoạt động là cơ sở của nhân cách. Việc nghiên cứu nhân cách phải xuất phát từ sự phát triển của hoạt động, những loại hình cụ thể của hoạt động và mối liên hệ của nhân cách đó với những người khác.
Quan điểm của A.N.Lêônchiep về động cơ, xúc cảm và nhân cách: Trước hết ông đưa ra cách hiểu sự hình thành nhu cầu của con người theo sơ đồ Hoạt động - Nhu cầu - Hoạt động, luận điểm này cho rằng nhu cầu của con người cũng được sản xuất ra. Nhu cầu được phân tích về mặt tâm lý sẽ dẫn tới phân tích động cơ. Ông chia ra hai loại động cơ: Động cơ tạo ý và động cơ kích thích. Động cơ tạo ý gắn liền với nhân cách. Động cơ tạo ý ở cấp cao hơn so với động cơ kích thích, song có khi nó không tham gia vào kích thích, thúc đẩy hoạt động mà khuất đằng sau kích thích.
Tiền đề của sự hình thành nhân cách là sự phát triển của quá trình hình thành mục đích và phát triển những hành động của chủ thể tương ứng gắn với mục đích. Sự hình thành nhân cách là một quá trình liên tục gồm các giai đoạn tuần tự thay thế nhau, làm thay đổi tiến trình sự phát triển tâm lý sau này. Nền tảng của nhân cách là sự phong phú của mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới. Trong mối quan hệ này con người phải hoạt động bao gồm hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn. Điều cuối cùng mà A.N.Lêônchiep bàn đến là vấn đề con người tự ý thức mình là một nhân cách. Đó là quá trình phát triển ý thức bản ngã. Ý thức cá nhân không chỉ là kiến thức, hệ thống ý nghĩ, hoặc các khái niệm thu nhận được mà còn là sự vận động bên trong phân biệt sự hiểu biết về bản thân và tự ý thức về mình.
Tóm lại, quan điểm chủ yếu về nhân cách của Lêônchiep lấy hoạt động là cơ sở. Vì vậy, phải lấy hoạt động để phân tích, biện giải hiện tượng nhân cách. Khi phân tích nhân cách phải kể đến động cơ, nhu cầu, mục đích và hành động của cá nhân trong hoạt động. Có như vậy mới có thể tách bạch được những cấp độ khác nhau: Cấp độ sinh vật, cấp độ tâm lý với tư cách là chủ thể và cấp độ xã hội, ở đó con người thực hiện những quan hệ xã hội trong nghiên cứu của mình.
2.3.3. Quan niệm của K.K.Pơlatơnôp về nhân cách
Pơlatơnôp đưa ra đinh nghĩa nhân cách như sau: “nhân cách là một con người cụ thể như là một chủ thể cải tạo thế giới trên cơ sở nhận thức, thể nghiệm thế giới, trên cơ sở quan hệ với thế giới đó”, ta có thể diễn đạt tư tưởng đó ngắn gọn hơn: “nhân cách là con người mang ý thức”.
Ý thức không phải là một thực thể thụ động mà là một hình thức phản ánh bậc cao chỉ có ở người. Đứa trẻ mới ra đời chưa có ý thức. Nhân cách sẽ hình thành trong giao tiếp với người khác. Có nhân cách tiến bộ và nhân cách phản động, nhân cách lành mạnh và nhân cách ốm yếu. Ông cho rằng không thể xác định được lúc nào thì con người hình thành nhân cách.
Theo Pơlatơnôp, cấu trúc tâm lý chức năng cơ động của nhân cách gồm bốn cấu trúc nhỏ được xác định bằng bốn phạm trù sau đây.
1. Tính cần và đủ để đưa toàn bộ các yếu tố, các nét của nhân cách vào bốn cấu trúc ấy.
2. Sự thừa nhận nhân cách phân loại các thuộc tính cá nhân và các khái niệm tâm lý về phương diện thực tế.
3. Tỉ lệ nghịch của độ chênh lệch tính chế ước xã hội và tính chế ước sinh vật của các thuộc tính cá nhân riêng biệt và những cấu trúc nhỏ thống nhất những thuộc tính ấy.
4. Tính chất chuyên biệt của các loại quan hệ trong sự hình thành mỗi cấu trúc nhỏ.
Liên quan đến bốn phạm trù trên có bốn cấu trúc nhỏ: Cấu trúc nhỏ thứ nhất là xu hướng (lý tưởng, thế giới quan, niềm tin…), cấu trúc nhỏ thứ hai là kinh nghiệm (tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen), cấu trúc nhỏ thứ ba là các quá trình tâm lý, cấu trúc nhỏ thứ tư là các thuộc tính sinh học quy đinh nhân cách (khí chất giới tính, lứa tuổi, bệnh lý…).
Ngoài cấu trúc kể trên, theo Pơlatơnôp, nhân cách con người còn ở thuộc tính khác là tính cách và năng lực. Tính cách cũng như năng lực là tổng hoà các thuộc tính có trong sự tương ứng với hoạt động. Tính cách và năng lực cá nhân tương hỗ với nhau. Trong một mức độ nào đó, năng lực biểu hiện ra và trở thành tính cách.
Tóm lại quan điểm của K.K. Pơlatơnôp là một đóng góp mới cho việc giải quyết vấn đề nhân cách. Hệ thống chức năng cơ động, bốn tiểu cấu trúc của nhân cách, tính cách và năng lực là các thuộc tính của nhân cách đã làm sáng tỏ thêm vấn đề nhân cách. Tuy nhiên trong khi khẳng định nhân cách là con người có ý thức, ông đã không thấy được sự tham gia của vô thức trong hành vi con người. Lại nữa, xã hội đóng vai trò quyết định như thế nào đối với nhân cách, chúng ta cũng chưa thấy rõ.
2.3.4. Luận điểm của trường phái Uzơnatze về nhân cách
Để hiểu con người với tư cách là nhân cách, D. Uzơnatze đã phân chia tính tích cực tâm lý của con người ra ba cấp độ. Con người với tư cách là cá nhân đó là cấp độ đầu tiên, thấp nhất. Cấp độ thứ hai, con người với tư cách là chủ thể. Cấp độ thứ ba phức tạp và cao nhất con người với tư cách là nhân cách.
Theo quan niệm này, cá nhân, chủ thể, nhân cách là sự thể hiện ở ba mức độ khác nhau của tâm thế con người. Ở mức độ thứ nhất, tâm thế quan hệ nhiều đến nhu cầu sinh vật; ở mức độ thứ hai, tâm thế có quan hệ đến quá trình tư duy để nhận thức hoàn cảnh; ở mức độ thứ ba, tâm thế quan hệ đến ý chí và định hướng giá trị.
Quan điểm trên đã đóng góp nhiều kiến thức quý cho vấn đề nhân cách. Song những vấn đề về tâm lý và nhân cách nếu chỉ dựa vào tâm thế để phân tích là chưa đủ. Tâm lý và nhân cách con người vô cùng phong phú và phức tạp, liên quan đến nhiều khoa học khác nhau.
2.3.5. Cách tiếp cận của X.L.Rubinstein
Trong các công trình nghiên cứu của mình, Rubinstein đi từ các phạm trù tinh thần, ý thức, chủ thể… đến phạm trù nhân cách, coi nhân cách là các trải nghiệm và đi vào vấn đề hình thành và phát triển nhân cách trong hoạt động. Rubinstein đã nhấn mạnh tính chất sđặc thù của riêng từng nhân cách, nói lên xu hướng riêng của người ấy, bao gồm ý hướng, ý muốn của từng người, năng lực của từng người, bản tính của nó. Nội dung này gắn liền với cái gọi là ý thức của chủ thể và các thái độ: thái độ đối với thế giới xung quanh, thái độ đối với người khác và thái độ đối với bản thân. Rubinstêin coi nhân cách là bộ máy điều chỉnh toàn bộ hệ thống thân thể con người nói chung, gắn liền với khái niệm đường đời.
Rubinstein đi từ một nhận xét triết học cho rằng toàn bộ tâm lý học người được coi là tâm lý học nhân cách, coi tất cả các hiện tượng tâm lý được mô tả trong tâm lý học đại cương đều diễn ra trong nhân cách và đều phụ thuộc vào sự phát triển của nhân cách. Nhân cách ở đây được hiểu là các đặc điểm cá thể riêng từng người. Nhân cách cũng được hiểu là khả năng con người điều khiển các quá trình hay thuộc tính tâm lý của bản thân, hướng chúng vào giải quyết các nhiệm vụ đặt ra cho bản thân. Từ đó muốn hiểu nhân cách là gì phải xem con người mang nhân cách ấy có xu hướng gì, có khả năng đáp ứng mong muốn đó không, vấn đề nghĩa và ý của cuộc đời, của từng công việc. Từ đây, Rubinstein đến rất gần với cách tiếp cận của Uzơnatze về nhân cách, tức là ông thấy trong nhân cách có các thành phần gọi là hứng thú, sự đam mê, tâm thế tạo nên các xu hướng, lý tưởng của nhân cách.
Như vậy, Rubinstein đã chỉ ra cho chúng ta thấy quá trình hình thành ý thức và thái độ như là hai thành tố tạo nên nhân cách. Ông đã chỉ ra rằng nghiên cứu nhân cách là nghiên cứu tự ý thức của nhân cách, nghiên cứu “cái tôi” như là chủ thể nắm lấy tất cả cái gì con người làm ra, có trách nhiệm của bản thân đối với tất cả các sản phẩm vật chất mà mình tạo ra. Rubinstein cũng đã nói đến nhân cách như là bộ mặt của từng người, nói lên lập trường thế giới quan của người ấy.
Về Đầu Trang Go down
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitimeThu Sep 10, 2009 7:44 pm

Quan niệm về nhân cách ở Việt Nam
Ở Việt Nam theo tác giả Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn Tâm lý học nhân cách thì chưa có một định nghĩa nhân cách nào một cách chính thống. Song cách hiểu của người Việt Nam về nhân cách có thể theo các mặt sau đây:
1. Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài hay là tính cách và năng lực hoặc là con người có các phẩm chất: Đức, trí, thể, mỹ, lao (lao động).
2. Nhân cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người
3. Nhân cách được hiểu như phẩm chất của con người mới: Làm chủ, yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động.
4. Nhân cách được hiểu như mặt đạo đức, giá trị làm người của con người. Theo cách hiểu này, tác giả Nguyễn Quan Uẩn trong cuốn tâm lý học đại cương (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu lên định nghĩa nhân cách như sau:
Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người. Nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân.
Đây là định nghĩa về nhân cách được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam.

Trên đây là những quan điểm cơ bản của các trường phái tâm lý học về nhân cách. Nhìn chung quan điểm khác nhau về nhân cách xoay quanh bảy vấn đề, quan niệm như sau:
1. Quan điểm sinh vật hoá bản chất nhân cách. Nhân cách được coi là bản năng tình dục (S.Phơrơt) là đặc điểm hình thể (Krestchmer), siêu đẳng, bù trừ (Atle), vô thức tập thể (K.Jung) là các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao (những người qúa tôn sùng học thuyết Paplôp). Thực chất của các quan điểm trên dù hình thức biểu hiện ở mỗi người có khác nhau, nhưng đều sinh vật hoá bản chất nhân cách, đều mang quan điểm duy tâm siêu hình.
2. Bản chất nhân cách là nhân tính con người đã được trường phái nhân văn nhấn mạnh. Đại diện của trường phái này là C.Rôgiơ, A.Matxlâu, G.Ônpooc…. Những người ở trường phái này đều quan tâm đến giá trị tiềm năng bẩm sinh của con người, đến những đặc tính riêng của mỗi người, kinh nghiệm của con người. A.Matxlâu cho rằng tính xã hội nằm trong bản năng con người. Những nhu cầu tiếp xúc, tình yêu, lòng kính trọng đều có tính chất bản năng, đặc trưng cho giống người. Nhân cách là động cơ tự điều hành (G. Ônpooc), là nhu cầu (A.Murây), là tương tác xã hội (G.H.Mít) là lo lắng (K.Hoocnây). Những quan điểm này đều đề cao tính chất tự nhiên sinh vật của con người, phủ nhận bản chất xã hội của nhân cách. Do đó cũng cũng rơi vào chủ nghĩa duy tâm.
3. Nhân cách được hiểu là toàn bộ mối quan hệ xã hội của cá nhân (Lucien Seve, Zeigarnit, Ogordnikov). Họ lấy các mối quan hệ xã hội của cá nhân như trong quan hệ gia đình, nhà trường, cơ quan công tác, nghề nghiệp, bạn bè… làm chuẩn để đánh giá nhân cách. Về thực chất, quan điểm này đã xã hội hoá nhân cách một cách giản đơn.
4. Nhân cách được hiểu đồng nghĩa với hai khái niệm con người. Platônôp cho rằng nhân cách là con người có ý thức, có lý trí và ngôn ngữ, là con người lao động. Loại quan điểm này nói về cái chung, cái đặc trưng nhất của con người mà không chú ý đến cái đặc thù, cái riêng của nhân cách.
5. Nhân cách được hiểu như cá nhân của con người với tư cách là chủ thể của mối quan hệ và hoạt động có ý thức (A.G.Kôvaliốp, I.X.Kon). Hiện nay quan điểm này được đa số các nhà tâm lý học xã hội chấp nhận, coi nhân cách là cá nhân là cá thể so với tập thể và xã hội.
6. Nhân cách được hiểu như là các thuộc tính nào đó tạo nên bản chất nhân cách như là các thuộc tính ổn định, các thuộc tính sinh vật hoặc thuộc tính xã hội. P.Buêva cho rằng nhân cách là con người với toàn bộ những phẩm chất xã hội của nó. Nhân cách là toàn bộ những đặc tính và những quy luật cá nhân (H.Hipsô, M.Phorvec), là tổng số những những đặc điểm cá nhân con người mà không người nào giống người nào (E.P.Hôlenđơ). Nhân cách là tâm thế (Uzơnatze) là thái độ (V.N.Miaxisev), là phương thức tồn tại của con người tong xã hội, trong điều kiện lịch sử cụ thể (L.I.Anxưphêrôva). Những quan điểm này chỉ chú ý đến cái đơn nhất trong nhân cách, chưa thể hiện tính toàn diện trong định nghĩa về nhân cách.
7. Nhân cách được hiểu như cấu trúc hệ thống tâm lý cá nhân. Trong hàng chục năm lại đây, nhiều nhà tâm lý học đều có xu hướng kiểu nhân cách là cấu trúc, hệ thống tâm lý (A.N.Lêônchiep, K. Obuchowxki). Nhân cách là cấu tạo tâm lý mới được hình thành trong mối quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của con người đó (A.N.Lêônchiep). Với quan niệm bản chất nhân cách là một hệ thống tổ chức K. Ôbuchôpxki đã định nghĩa như sau: “Nhân cách là sự tổ chức những thuộc tính tâm lý của con người có tính chất, điều kiện lịch sử xã hội, ý nghĩa của nó cho phép giải thích và dự đoán hành động cơ bản của con người”
Từ bảy quan niệm trên, chúng ta thấy rằng cho đến nay vẫn chưa có một trường phái nào giải quyết một cách thoả đáng, một cách toàn diện về vấn đề bản chất nhân cách. Vấn đề nhân cách vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và hết sức quan trọng trong các khoa học về con người nói chung và tâm lý học nói riêng.

http://www.tamlyhoc.info/forum/index.php/topic,978.0.html
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH   Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Bàn lại các quan điểm nhân cách trong TLH
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Các mức độ và đặc điểm của nhân cách
» TIẾP CẬN NHÂN CÁCH THEO TÂM LÝ HỌC NHÂN VĂN
» Những quan điểm chính của TLH nhận thức
» Năng lực trong tâm lý học nhân cách
» Vấn đề nhân cách trong TLH phương Tây

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học nhân cách-
Chuyển đến