NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯ PHẠM TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN NHƯ HIỆN NAY

Go down 
Tác giảThông điệp
hoangan_tlgd




Tổng số bài gửi : 9
Join date : 04/05/2010
Age : 33
Đến từ : Long An

THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯ PHẠM TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN NHƯ HIỆN NAY Empty
Bài gửiTiêu đề: THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯ PHẠM TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN NHƯ HIỆN NAY   THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯ PHẠM TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN NHƯ HIỆN NAY Icon_minitimeThu Jun 02, 2011 4:03 am

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA TÂM LÝ – GIÁO DỤC
  
GIAO TIẾP ỨNG XỬ SƯ PHẠM

Tên đề bài
THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA NHÀ SƯ PHẠM
TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN HIỆN NAY



TP. HỒ CHÍ MINH, THÁNG 12/2010



Bài làm:


Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng đi lên của xã hội, chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại hơn, nhưng bên cạnh đó lại kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay, đó là đạo đức học đường của bộ phận học sinh, sinh viên bị xuống cấp, dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng phổ biến, quan hệ thầy - trò bị đảo lộn.

Trước đây, chúng ta thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi, không xảy ra phổ biến, chỉ tồn tại ở những nước phương Tây hay ở những nước lân cận. Đồng thời cũng vì thế mà không ý thức được sâu sắc về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của nó tới thế hệ trẻ nói riêng, con người nói chung. Song thời gian gần đây, bạo lực học đường đã có những chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp và trở thành một vấn đề nóng bỏng, một vấn nạn nhức nhối khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Phải chăng đó chính là một dự báo “sóng ngầm đang thành bão”.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập rất nhiều về tình hình bạo lực học đường. Hiện tượng bạo lực học đường là dấu hiệu của việc những chuẩn mực đạo đức truyền thống đang bị xuống dốc một cách trầm trọng. Những sự việc đó ảnh hưởng không nhỏ tới những suy nghĩ về tình bạn trong sáng lứa tuổi học trò. Tình trạng bạo lực học đường đã không ngừng gia tăng nhanh chóng và đã trở thành một vấn nạn của xã hội. Vấn nạn bạo lực học đường được xem là hồi chuông báo hiệu đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa. Đứng trước tình hình bạo lực học đường tràn lan như hiện nay, với tư cách là một nhà sư phạm vậy chúng ta cần có thái độ như thế nào?

Bạo lực học đường đã và đang tồn tại làm cho những người quan tâm đến thế hệ trẻ, đến đạo đức con người suy ngẫm thật nhiều ở những bình diện v góc nhìn khác nhau. Từ vụ giản đơn là nữ sinh đánh nhau cho đến việc nam sinh kết băng nhóm rượt chém giữa đường phố hay gần nhất là vụ việc một học sinh lớp 9 đã nhảy lầu đều mang đậm bóng dáng của bạo lực học đường. Nên thái độ cần có của một nhà sư phạm trước tiên là phải có thái độ quan tâm nhiều hơn đến vấn nạn bạo lực học đường tràn lan như hiện nay. Để chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về bạo lực học đường và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau là điều hết sức cần thiết.

Bạo lực học đường được hiểu là những hành vi đi lệch chuẩn mực đạo đức xã hội, thô bạo, ngang ngược,.. xúc phạm, trấn áp người khác để gây ra những tổn thương về cả thể xác và tinh thần diễn ra trong phạm vi trường học.

Một số vụ bạo lực học đường mà báo chí cũng như dư luận xã hội đã bàn tán xôn xao gần đây như : Nguyễn Hồng Tín một học sinh lớp 7 của Trường THCS An Châu, Huyện Châu Thành, Tỉnh An Giang đánh thầy giáo ngất xỉu trên bục giảng ( Đầu tháng 01/ 2010). Phạm Ngọc Vũ học sinh lớp 12 Trường THPT Đại Mỗ, Hà Nội bị một nhóm thanh niên chém chết chỉ vì mâu thuẫn rất trẻ con, đơn giản là giành chỗ ngồi ở sân trường. Lưu Danh Thắng, bạn cùng lớp với Vũ đã thuê bọn “ đầu gấu ” xử bạn mình gây cái chết cho Vũ (20/ 02/ 2008). Võ Thanh Thảo học sinh lớp 8A3 Trường THCS Lê Lai, Quận 8, TP. HCM đã bị 2 người bạn trong lớp đánh ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện Trợ Rẫy ( 30/ 08/ 2010) ....

Điều đó cho thấy, thực tế tình trạng bạo lực học đường vô cùng phức tạp nào là thầy cô bạo lực với học sinh bằng những lời nói rất nặng nề, học sinh vô lễ và bạo hành thầy cô bằng nhiều kiểu khác nhau. Dẫu biết rằng kể lại vấn đề chỉ thêm xót xa nhưng đó là một sự thật. Những minh chứng trong thực tế đủ độ sắc nét để thấy rằng bạo lực học đường đang tồn tại với những hình thù của nó chứ không phải chỉ là mầm mống hay bóng dáng.

Thực trạng bạo lực học đường hiện nay, không chỉ là nỗi sợ hãi của những giáo viên mới ra trường mà đối với những giáo viên lớn tuổi giàu kinh nghiệm cũng vậy. Nếu chúng ta không linh động trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề, vô hình chung chúng ta đã trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Điển hình như vụ xảy ra ở trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng. Khi kiểm tra bài cũ đầu giờ, nhiều học sinh không học bài nên bị cô cho điểm kém. Trong quá trình học lớp lại ồn, mất trật tự, nên cuối giờ khi chấm điểm sổ ghi đầu bài của tiết học, cô giáo có ý định trừ điểm. Tuy nhiên, các em học sinh đã “ quay ” cô giáo và liên tục thay nhau nài nỉ, níu kéo cô đòi cô nâng điểm khiến cô Ngọc không giữ được bình tĩnh và nói tục trước mặt học trò. Trước thực trạng đáng buồn xảy ra ở một số giáo viên mắc phải như cô Ngọc, chúng ta cần có một thái độ kiên nhẫn, kiềm chế cảm xúc để bình tâm nhìn nhận vấn đề mà đưa ra cách ứng xử thấu tình đạt ý của mình đối với học sinh.

Học sinh trong độ tuổi phát triển tâm, sinh lý và đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, trong đó có những học sinh do hoàn cảnh xuất thân, có cá tính đặc biệt khó giáo dục nên những nhà sư phạm như chúng ta phải thật sự hết sức kiên nhẫn. Bởi vậy, không chỉ riêng gì bố mẹ mà ngay cả giáo viên chúng ta đều là tấm gương tốt để các em thấy hành vi không đúng của mình là không nên lặp lại. Một tác động xấu của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến các em suốt đời. Cho nên, là giáo viên chúng ta phải biết kiềm chế cảm xúc và dùng các phương pháp giáo dục đúng đắn, đừng để bực tức bộc phát lên mà có những hành vi bạo lực, vì bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Học sinh sẽ dùng hành vi đó của mình để hành xử tiếp với người khác, kể cả trong cách nói năng. Một yêu cầu đòi hỏi rất cao trong giao tiếp sư phạm là ở người giáo viên phải có kỹ năng ứng xử sư phạm, có những cách ứng xử làm sao cho thấu tình đạt lý. Muốn có được kỹ năng này, mỗi người phải tự rèn luyện cho mình để cảm xúc cá nhân được kiềm chế cũng như đạt hiệu quả cao trong giao tiếp ứng xử sư phạm. Có như thế, phần nào sẽ giảm bớt những chuyện đáng buồn không muốn xảy ra trong nghề.

Chuyện không hay về bạo lực học đường xảy ra ở một số giáo viên chỉ là một phần, nhưng chuyện bạo lực học đường giữa các em học sinh với nhau hiện nay đã lên mức báo động. Bạo lực học đường đã đánh tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng.

Một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng là do chế độ chế tài xử lý học sinh vi phạm chưa thực sự có những quy định hiệu quả. Vậy, trước những sai phạm của học sinh thái độ người giáo viên như thế nào? Khi các nhà sư phạm đứng trước những vụ việc bạo lực học đường do học sinh hay bất cứ người nào gây ra trong môi trường giáo dục thì phải xem xét thật kỹ. Bởi, mỗi chúng ta khi chưa thực sự tìm ra được mấu chốt của vấn đề con người trên bình diện con người thì dù tất cả những tác động dù nông - dù sâu cũng chẳng chạm đến “đích” lý tưởng. Vì thế, khi đánh giá cái sai của cc em thì chng ta phải tìm hiểu nguyên nhân cũng như động cơ nào thúc đẩy họ làm như vậy và nhìn sự việc dưới nhiều góc độ, đảm báo tính công bằng, khách quan.

Trước những sai phạm của các em thì bạn phải có thái độ khoan trách phạt học sinh mà chúng ta phải khoan dung và đồng cảm để cảm thông cho các em. Bạn hãy biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm và luôn trân trọng các em bằng cả tấm lòng, cả con tim nhân ái và nhiệt thành nhất. Để từ đó ta có thể đồng cảm, thấu cảm cho số phận của các em, cảm nhận được động cơ nào thúc đẩy các em làm như vậy. Chúng ta phải biết “xỏ chân mình vào đôi giày của đối tác”, biết sống trong niềm vui, nỗi buồn, biết đặt vị trí của mình vào vị trí của các em, có như vậy người thầy mới có thể sẽ hiểu rõ hơn về đối tác và cùng rung cảm với học sinh. Giờ đây, học sinh - thế hệ trẻ thân yêu của chúng ta đang cần những việc làm cụ thể, gần gũi với môi trường mà chúng đang sống và học tập, chứ không phải là đổ lỗi hay đi tìm trách nhiệm. Tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức… ai quan tâm đến thế hệ trẻ, đều có thể hiến kế những biện pháp thiết thực để giúp các em yêu thương nhau hơn, có cách ứng xử với nhau bằng lời nói khôn khéo hơn dùng “nắm đấm”. Phải thừa nhận, học sinh đánh nhau (kể cả nữ sinh) là chuyện không phải xưa nay hiếm thấy. Chỉ có điều giờ đây các em có sẵn phương tiện ghi hình và tung chúng lên mạng. Nếu chúng ta đặt mình vào những em học sinh ấy, mới phần nào hiểu được vì sao các em đánh nhau. Có khi chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng thiếu kỹ năng nhận biết và đánh giá, các em quy chụp đó là hành vi thiếu tôn trọng nhau, thế là “uýnh”. Thậm chí, có em thách thức đánh nhau, nhưng chưa đủ hiểu biết để lường trước hậu quả. Tâm lý các em đang tuổi học phổ thông là nông nổi, bồng bột, hiếu kỳ với điều lạ, cái mới, dễ bị kích động. Vì vậy, phải đứng ở vị thế các em để hiểu các em đang cần gì, và trang bị đúng những thứ mà các em đang cần.

Thiết nghĩ, do đâu mà các em có hành vi bạo lực học đường như vậy? Như chúng ta được biết, xã hội không ngừng vận động, phát triển và thế kỷ XXI chúng ta đang sống với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Nên sự tiếp nhận nền thông tin hiện đại cũng xuất phát từ rất nhiều luồng khác nhau, các em học sinh đã không biết lựa chọn, tìm kiếm nguồn thông tin đúng đắn cho riêng mình. Các em bị ảnh hưởng bởi phim ảnh các loại sản phẩm được núp bóng dưới văn hóa một cách thô thiển, là những phim ảnh thiếu sự kiểm soát của những cơ quan chức năng được tuồn vào bằng nhiều hình thức dẫn đến sự “rối nhiễu” hành vi về mặt tâm lý. Đây không hẳn là sự rối nhiễu mang tính chất tâm thần mà đó là rối nhiễu hay lệch chuẩn hành vi với những định hướng chuẩn mực. Sự ảnh hưởng của các trò chơi mang tính bạo lực gián tiếp hay trực tuyến từ các phương tiện truyền thông và chứng kiến nhiều trường hợp bạo hành xảy ra trong cuộc sống. Nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì có bao nhiêu bậc cha mẹ quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Thời gian dành cho việc trò chuyện với con mình thì không có, điều kiện để uốn nắn cũng không. Nhiều bậc cha mẹ rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền thế là cứ làm - cứ ăn, cứ ra - cứ vào và cũng bạo lực như ai thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết. Cho ta thấy một sự quản lý lỏng lẻo, chưa đúng mực thậm chí từ lối sống bạo hành buông thả từ phía gia đình đã dẫn đến những hành động không đáng ở lứa tuổi học sinh.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Nam giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: “Ngay trong gia đình cha mẹ vẫn thường dùng bạo lực với nhau, bước ra khỏi nhà trẻ gặp hàng xóm bạo lực, bạo lực trên phim đến ngoài đời nên trẻ thường thấy “mạnh được yếu thua”. Vì thế khó tránh được cảnh học sinh đánh nhau, chung quy lại học sinh là nạn nhân chứ không phải thủ phạm, các em đáng thương hơn là đáng trách”.

Cho nên, chúng ta là những nhà sư phạm trước khi đánh giá hay quy tội về những sai lầm của các em, chúng ta phải đặt mình đứng ở vị trí của các em. Và giáo viên cần có thái độ tôn trọng các em, luôn đảm bảo tính mô phạm trong dạy học, phải nhận ra mình là ai và người học sinh như thế nào để có cung cách ứng xử cho phù hợp. Chúng ta phải cho các em có cơ hội sửa sai thay cho không dạy được thì đuổi học. Có tạo cho các em cơ hội sửa sai lầm mà mình mắc phải, từ đó các em sẽ nhận ra được cái sai của mình và sẽ không phạm phải lần nữa. Còn nếu như dạy không được thì đuổi, vô hình chung chúng ta lại tống vào xã hội một con người bất hảo không được giáo dục và sẽ càng có nhiều hành vi bất hảo hơn.

Có một số giáo viên cho mình là bậc “bề trên” nên đã tạo ra khoảng cách khi tiếp xúc với học sinh , từ đó tạo cho các em có cảm giác thầy cô vô cảm với mình, thầy cô quá xa lạ. Như vậy, khi học sinh có những mâu thuẫn cần tới thầy cô giải quyết, các em sẽ ngại tiếp xúc giáo viên, nên các em tự giải quyết bằng những hành vi xa lạ đánh nhau với bạn chỉ vì những mâu thuẫn không đáng. Do không ít các em thực sự chưa hiểu thế nào là việc giải quyết xung đột, nên cứ làm theo hành vi bản năng, theo thói quen và theo những phản xạ tích lũy được bằng con đường “di truyền xã hội”, bạo lực như một biện pháp hay cách thức giải quyết vấn đề là thế. Từ thực tế trên, ta thấy thầy cô không nên tạo ra khoảng cách với học sinh mà phải quan tâm nhiều đến học sinh của mình, để kịp thời giúp đỡ cho những trường hợp học sinh của mình đang gặp khó khăn về một vấn đề gì đó có thể là vật chất hay tinh thần.

Đứng trước tình trạng bạo lực học đường tràn lan như hiện nay, nhà trường được xem là hạt nhân quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức học sinh. Trường học là môi trường trong sạch nhất của xã hội mà để xảy ra những vấn đề như trên thì đến lúc phải xem lại cách giáo dục, dạy dỗ học sinh. Các thầy cô giáo (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) phải nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, tính cách của học sinh, quan hệ bạn bè của từng học sinh. Với những học sinh cá biệt, giáo viên cần quan tâm hơn để sớm phát hiện ra vấn đề, quan hệ bất thường của các em. Đây là một việc làm rất khó đòi hỏi người thầy luôn linh động trong mọi chuyện.

Người thầy chính là tấm gương sáng, là hình mẫu cho học sinh noi theo, bởi vậy người giáo viên phải ý thức được rằng mình phải tự thân vận động trong học tập, rèn luyện bản thân, trao dồi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, cũng như kỹ năng ứng xử sư phạm,.. Chúng ta phải học tập những tấm gương tốt ở Bác, ở đồng nghiệp, ở người thân cũng như ở ngoài xã hội. Để trước mỗi tình huống ta luôn chủ động trong cách nghĩ và có cách ứng xử hài hòa, thấu tình đạt lý.

Giáo viên xây dựng ý thức và thói quen của mình trong việc ứng xử giao tiếp một cách có văn hóa, xem đó là một nhiệm vụ của người giáo viên nơi trường học. Tác động về mặt nhận thức của học sinh để có sự ứng xử chuẩn mực, định hướng những giá trị của con người một cách đích thực. Trong giờ dạy trên lớp, ngoài truyền thụ lượng kiến thức cơ bản cho các em chúng ta còn phải lồng ghép vào đó là những mẫu chuyện có thực mang tính giáo dục cao. Tổ chức các trò chơi, mang tính đội nhóm để các em cộng tác cùng nhau, hình thành kỹ năng xử lý tình huống và cung cách ứng xử với các bạn cùng trang lứa. Khi đứng lớp người thầy phải thực sự nghiêm túc trong cách giao tiếp ứng xử với học sinh. Người thầy càng cẩn ngôn bao nhiêu thì càng thể hiện trình độ của mình bấy nhiêu. Khi đặt câu hỏi cho học sinh, người thầy nên đặt những câu hỏi mở, các câu hỏi mang tính thực tế để kích thích tư duy cho các em. Khuyến khích để các em trả lời hết những lời mà các em muốn nói, để mình nắm được cái ý nằm đằng sau lời nói của học sinh. Cái thuật của giao tiếp sư phạm vẫn là lắng nghe. Thông qua việc giao tiếp ứng xử với các em, ngoài tạo ra sự gần gũi trong mối quan hệ thầy-trò, phần nào chúng ta nắm được tâm lý, tính cách cũng như cách ứng xử của các em. Từ đó, mình sẽ giáo dục cách ứng xử cho học sinh, thực chất của việc định hướng ứng xử trong những mối quan hệ khác nhau phải dựa trên nền tảng của việc thiết lập những nguyên tắc ứng xử dựa trên thang giá trị chuẩn mực của văn hóa ứng xử - giao tiếp trong học đường. Bên cạnh đó còn giúp các em hiểu đúng vấn đề, giúp bản thân người thầy hiểu được học sinh mình nhiều hơn. Điều đó đã tạo dựng ra mối quan hệ trong sáng, tốt đẹp, làm cho học sinh có cảm giác thân thiện, thoải mái khi tiếp xúc với thầy cô, khi đó người thầy chính chỗ dựa tin thần cho các em trong những cần thiết nhất. Đó là cơ hội để thầy trò tâm sự, và tìm cách giải quyết cho mâu thuẫn đó.

Vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục những hành vi trong nếp sống - trong quan hệ đối xử trở thành vấn đề trọng tâm trong văn hóa học đường. Đây chính là một trong những vấn đề cần đáng được quan tâm trong việc phòng chống bạo lực học đường hiện nay. Thực chất của việc giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ việc giáo viên tác động về mặt nhận thức, xây dựng những rung cảm đạo đức hình thành nhu cầu và niềm tin cho học sinh hướng đến các chuẩn mực đạo đức cũng như các yêu cầu có liên quan, mới có thể hình thành một hành vi đạo đức mang tính chất tâm lý chứ không phải kỹ thuật. Mặt khác, đó còn là việc giáo viên huấn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử - giao tiếp sư phạm cho học sinh nhằm trang bị cho học sinh một số kỹ năng giao tiếp - ứng xử chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực. Đây được xem là một trong những những nhiệm vụ thực sự cấp bách trước tình hình bạo lực học đường hiện nay. Bạo lực học đường đang là một thách thức lớn đối với toàn xã hội nói chung và và trong ngành giáo dục nói riêng. Đặc biệt là các nhà sư phạm phải lên tiếng và có thái độ tích cực hơn nữa trong việc nhìn nhận vấn đề. Nhà sư phạm phải trang bị cho mình những kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ đặc biệt là nghiệp vụ giáo dục như: tìm hiểu tâm lý học sinh, cách thức tiếp cận học sinh, công tác giáo viên chủ nhiệm, giáo dục học sinh cá biệt... Người thầy phải là tấm gương sáng đạo đức về lòng nhân ái, nhân đạo, ngay thẳng chính trực để có thể là ngọn đèn, là chiếc gương soi sáng dẫn dắt trẻ tìm đến với bến bờ của thành công, chân lý và hạnh phúc. Bằng sự tận tụy, dìu dắt của bạn đã giúp trẻ nhận ra vấn đề, biết chuyển hóa những gì còn chưa hoàn thiện, những gì còn chưa tốt đẹp ở bản thân mình để ngày một hoàn thiện hơn và tốt đẹp hơn về mặt nhân cách. Nếu như các thầy cô giáo tương lai trang bị cho mình những kỹ năng, những thái độ cần có như trên sẽ phần nào làm giảm tình trạng bạo lực học đường như hiện nay.

Bạo lực học đường ngày càng trở nên tràn lan và đang là vấn nạn của toàn cầu. Mặc dù, các nhà chuyên môn đã quyết tâm và không ngừng nổ lực nghiên cứu tìm ra câu trả lời. Câu trả lời đã có nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn nạn này không phải nhiệm vụ của một ai trong chúng ta mà là trách nhiệm của toàn nhân loại, buộc chúng ta thực hiện trên tầm vĩ mô, mọi người phải cùng nhau chung tay giải quyết vấn nạn này để ngăn chặn từ những cái nhỏ nhất và triệt để nhất.
[/size]

...... hsbc Quốc An hsbc ......
Bài viết chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, mong các bạn góp ý cho QA!
Về Đầu Trang Go down
 
THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA MỘT NHÀ SƯ PHẠM TRƯỚC TÌNH HÌNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÀN LAN NHƯ HIỆN NAY
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Chuyên đề “Sinh viên sư phạm với văn hóa sống thời hiện đại”
» Vấn đề tình dục trong ngành sư phạm
» Giáo Dục Giới Tính Tốt Nhất Được Thực Hiện Ở Nhà
» Tình yêu - tình bạn và sự khác biệt
» Tình yêu - Tình bạn và sự khác biệt

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Các chuyên ngành khác có liên quan-
Chuyển đến