NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC

Go down 
Tác giảThông điệp
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC   NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC Icon_minitimeFri Apr 09, 2010 4:47 am

Trường Đại học Sư Phạm TPHCM Môn : Giáo dục học phổ thông
Khoa Tâm Lý- Giáo dục Nhóm thực hiện: Nhóm 1
Lớp TLGD 2
Đề tài : - Nguyên tắc bảo đảm tính mục đích của hoạt động giáo dục.
- Nguyên tắc bảo đảm giáo dục gắn với cuộc sống lao động.
- Nguyên tắc bảo đảm giáo dục trong tập thể

Bất cứ một tổ chức hay tập tập thể nào muốn có hiệu quả cao trong hoạt động thì điều phải tuân theo những quy tắc nhất định. Và giáo dục cũng không ngoại lệ, nó có những quy tắc của nó mà nhà giáo dục muốn thu được thành quả mỹ mãn thì cần phải tuân theo.
Vậy nguyên tắc giáo dục là những luận điểm cơ bản có tính quy luật của lý luận giáo dục, có tác dụng chỉ đạo, định hướng cho HĐGD nhằm thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đạt được mục đích giáo dục nhất định.
Hệ thống các nguyên tắc giáo dục bao gồm:
- Nguyên tắc bảo đảm tính mục đích của hoạt động giáo dục.
- Nguyên tắc bảo đảm giáo dục gắn với cuộc sống lao động.
- Nguyên tắc bảo đảm giáo dục trong tập thể.
- Nguyên tắc kết hợp việc đề ra yêu cầu cao, hợp với việc thực hiện sự tôn trọng nhiều nhất đối với người được giáo dục.
- Nguyên tắc bảo đảm tính vừa sức và tính cá biệt trong hoạt động giáo dục.
- Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của nhà giáo dục và vai trò tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người được giáo dục.
- Nguyên tắc đảm bảo tính liên tục và hệ thống của hoạt động giáo dục.
Trong giới hạn của phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ xin trình bày một số nguyên tắc giáo dục như sau
1. Nguyên tắc bảo đảm tính mục đích của hoạt động giáo dục
a. Nội dung nguyên tắc:
Dựa trên truyền thống giáo dục của dân tộc Việt Nam thì mục đích giáo dục là học để thăng tiến bản thân và giúp ích cho xã hội. Đây là đạo lý thấm sâu trong tư tưởng và đã trở thành lẽ sống của tất cả những ai chọn con đường học hành với mong ước thành đạt nơi cửa Khổng, sân Trình; Ngoài ra sự giao lưu và tiếp biến các giá trị đạo đức từ bên ngoài, chủ yếu từ Nho giáo đã làm hình thành đạo làm người của dân tộc Việt Nam. Tất cả đã trở thành truyền thống và hội tụ lại bằng việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực của nhân cách học sinh.
Chính vì vậy, hoạt động giáo dục là hoạt động có ý thức, có mục đích của con người nhằm hình thành và phát triển tòan diện nhân cách con người. Trong đó, mục đích giáo dục là kết quả mà giáo dục mong muốn đạt được, cái đích được dự kiến một cách khái quát. Có thể nói, trong giáo dục phổ thông thì mục đích là mô hình nhân cách, phản ánh những yêu cầu, những quan điểm chung nhất của xã hội đối với con người. Vì vậy, nguyên tắc bảo đảm tính mục đích của hoạt động giáo dục mang tính định hướng cho việc hình thành nhân cách một lớp người trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Và cho đến nay, trong một xã hội đã thay đổi và phát triển theo chiều hướng tiến bộ thì đòi hỏi phải đào tạo cho thế hệ trẻ thành những người công dân, những người lao động giàu lòng nhân ái, năng động, sáng tạo, biết sống và làm việc có trách nhiệm theo hiến pháp và pháp luật, có tiềm năng thích ứng với cuộc sống đang đổi mới toàn diện và sâu sắc.
b. Yêu cầu và phương pháp thực hiện
Từ những nội dung được đề ra như trên, để đảm bảo được hiệu quả khi thực hiện nguyên tắc này thì đòi hỏi các nhà giáo dục cần:
- Hình thành cho học sinh cơ sở của thế giới quan khoa học và nhân sinh quan đúng đắn, lý tưởng xây dựng đất nước, chẳng hạn như tổ chức các hoạt động ngoại giờ lên lớp theo các chủ đề của từng tháng để hình thành cho các em những suy nghĩ chính chắn, cũng như những tư tưởng đúng đắn nhất…
- Học tập, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo, kết hợp được các giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa đạo đức của dân tộc và nhân loại, có cuộc sống vật chất và tinh thần hài hòa, phong phú, có năng lực giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa các giá trị têrn. Ví dụ như, những gi trị truyền thống của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước, nhân ái, lễ phép, khiêm tốn…đã được thực hiện từ bao đời nay trong gia đình, những gi trị đó không bị mai một đi mà nó trở thành nét đẹp trong nhân cách người Việt. Tuy nhiên bên cạnh đó cần kết hợp cho học sinh khả năng thích ứng có chọn lọc nghĩa là những nét văn hóa đẹp từ nước ngoi luôn cần phải được thế hệ trẻ ta khai thác, hài hòa chung với nét đẹp truyền thống để tạo nên sự lớn mạnh trong nhận thức, phong phú trí tuệ, bắt kịp thời đại hội nhập…
- Cần biết phân biệt cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác. Điều đó có nghĩa là sự nhận thức trong tư duy và tình cảm cần được lớn mạnh theo chiều hướng phát triển tốt, biết phê phán và đấu tranh với cái xấu, cái ác, như tội phạm hình sự, tham nhũng, sự ghen ghét, đố kỵ, những điều các em nên học hỏi là lòng thương người, khiêm tốn, biết giúp đỡ người khác…
- Tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động và giao lưu phong phú trong xã hội phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và năng lực cá nhân như các phong trào giúp đỡ người tàn tật, người già neo đơn, bảo vệ môi trường, các cuộc thi dành cho học sinh năng khiếu để học sinh có thể phát hiện và hoànn thiện năng lực mà các em có được…
- Tránh thái độ áp đặt thô bạo, cứng nhắc, trái với bản chất của hoạt động giáo dục bởi bản chất của hoạt động giáo dục là hoạt động có ý thức. Nghĩa là học sinh được quyền tự do phát triển khả năng của mình nếu các em cần điều đó. Mặt khác, trong quá trình giáo dục ta không thể áp dụng một nguyên tắc, một phương pahsp cố định, hay là cứng nhắc đi theo từng bước đã vạch sẵn để đạt được mục đích đã đề ra. Hơn thế nữa, hoạt động giáo dục là một hoạt động mang tính lâu dài và liên tục vì vậy các hoạt động giáo dục phải phong phú, đa dạng, linh hoạt và nhà giáo dục cũng phải mềm dỏe, uyển chuyển trong việc lựa chọn và vận dụng các hoạt động giáo dục để đạt được kết quả cao nhất trong giáo dục học sinh.
2. Nguyên tắc bảo đảm giáo dục gắn với cuộc sống lao động
a. Nội dung giáo dục
Cuộc sống lao động là môi trường, là phương tiện góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách cho những con người đang sống và làm việc trong đó. Vì thế mà giáo dục phải có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống và lao động để hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện cho học sinh.
Hoạt động giáo dục nhằm giáo dục học sinh trở thành người công dân thích ứng với cuộc sống lao động và sinh họat xã hội. Thực tiễn giáo dục cho thấy rằng, hiệu quả giáo dục phụ thuộc vào kiến thức và sự trải nghiệm của bản thân học sinh. Nên muốn có kiến thức và kinh nghiệm, con người phải tham gia các họat động trong các môi trường, hoàn cảnh và tình huống sống khác nhau. Chính cuộc sống lao động là môi trường, phươnng tiện góp phần vào việc phát triển nhân cách toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục còn mang năng kiến thức, hàn lâm chưa chú trọng việc GD nghề nghiệp.
Trong công báo số 57+58 ra ngày 12/08/2006 đưa ra nội dung dạy nghề trong 12 năm học của học sinh PT là như sau:
TT Mạch nội dung các nghề Lớp
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Nghề làm vườn + + + + *
Nghề nuôi cá + + + *
Nghề trồng rừng + + + *
Nghề gò + + *
Nghề điện dân dụng + + + *
Nghề điện tử dân dụng *
Nghề chữa xe máy + *
Nghề cắt may + + + + *
Nghề nấu ăn + + + *
Nghề thêu tay + + + *
Nghề tin học văn phòng + + *
Chú thích: Dấu + thể hiện mức độ chuẩn bị, chưa đi sâu vào nội dung chủ đề.
Dấu * thể hiện kiến thức chính thức cần phải học.
Như vậy là sau năm học lớp 9, các em đã bước sang tuổi 16, vẫn chưa được học một nghề cụ thể. Giờ trên lớp đã ít mà lại còn phải rải đều để giới thiệu cả 11 nghề.
Sau năm học lớp 12, theo công báo số tiết học nghề là 105 tiết. Chỉ bằng số tiết học trong 1 tháng mà lại trải ra từ lớp 4, lớp 7, lớp 10, và 11, như vậy thì làm sao thành thợ được.
Nghị quyết trên cũng nêu rõ: “Gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng, với việc làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động. Mở rộng đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ Trung cấp dựa trên nền học vấn trung học cơ sở.”
Các trường THCS hiện nay chưa làm được nhiệm vụ này. Ví dụ với tỉnh Thanh Hoá là vùng trồng lúa nhưng các trường THCS không đưa nội dung canh tác vào dạy trong trường. Không tạo cho học sinh yêu mến đồng ruộng, họ luôn nghĩ đến việc học lên để thoát khỏi ruộng đồng. Và tình trạng này cũng đã xảy ra ở nhiểu địa phương với các ngành nghề khác.
Theo một nghiên cứu trên 621 học sinh lớp 12 và 102 giáo viên thuộc Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Ninh Bình trong năm học 2002-2003. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Hầu hết số giáo viên và học sinh được hỏi ý kiến đều cho rằng ngoài việc lao động tự phục vụ và lao động giúp đỡ gia đình, ngoài thời gian học bài trên lớp và ở nhà được tiến hành tương đối thường xuyên, còn các loại hình lao động khác được thực hiện ở mức độ ít, thậm chí có loại hình rất bổ ích nhưng hầu như không được triển khai. Chẳng hạn: lao động vệ sinh lớp học thường ngày; lao động giản đơn trong các doanh nghiệp…Đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều trường phổ thông hiện nay. Các công việc lao động tự phục vụ của học sinh trong giờ học như: tổng vệ sinh, giữ gìn và sửa chữa bàn ghế, các dụng cụ đơn giản khác trong lớp v.v đều không phải do học sinh tự quản lí và thực hiện mà là do nhà trường hợp đồng lao động bên ngoài. Thời gian trong tuần chủ yếu dành cho việc học, còn thời gian lao động rất ít. Nhiều cuộc vận động lao động công ích và lao động giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn v.v… không được thực hiện mà là được đóng góp bằng hiện vật hoặc tiền. Điều này làm giảm ý nghĩa giáo dục của lao động đối với trẻ em.
b. Yêu cầu và biện pháp thực hiện:
Nhà giáo dục cần tổ chức cho học sinh tìm hiểu về thực tế của cuộc sống cũng như họat động sáng tạo của người lao động; đặt ra yêu cầu giáo dục cụ thể, rõ ràng cho học sinh; Ngoài ra, nhà giáo dục phải xác định rằng việc tổ chức cho các em tham gia các hoạt động công tác xã hội là cũng là một thành phần hữu cơ trong hoạt động giáo dục, để tránh cho các em hoạt động chủ quan, tùy tiện, qua loa,.. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lâu nay việc đánh giá xếp loại học sinh dựa vào bốn mặt: Văn hóa, đạo đức, lao động và văn thể mĩ. Chúng tôi cho đó là những tiêu chuẩn phù hợp, mang tính toàn diện trong đánh giá, phân loại học sinh. Nhưng nhiều năm gần đây, cùng với cơ chế thị trường và “nhiều sự đổi mới” trong ngành giáo dục, hầu hết các trường phổ thông chỉ đánh giá học sinh được 3 mặt: Văn hóa, đạo đức, văn thể mĩ, còn mặt lao động dường như "cho qua". Bởi vì, ở các trường phổ thông chẳng còn việc gì để cho học sinh, tập thể lớp tổ chức lao động nữa. Từ việc quét dọn sân trường, quét dọn các phòng học, đến lau chùi bàn ghế, bảng đen... đều đã được " dịch vụ hóa".
Đầu năm, họp phụ huynh, nhiều trường đưa ra chủ trương: Con em không cần lao động dọn dẹp trường lớp nữa thì phụ huynh phải đóng tiền vào để thuê người làm. Tất nhiên, khi đưa vấn đề này ra, nhà trường, thầy cô giáo có nhiều lí do để thuyết phục phụ huynh: "Các em còn nhỏ không cần thiết phải làm những việc thế", " lao động tốn thời gian, đi thêm buổi, ít nhiều ảnh hưởng đến học hành của các em"... Nghe thầy, cô phân tích như vậy thì phụ huynh thấy “cũng có lí”, và hơn nữa ai cũng ngại nói lời trái ý… nên nhất trí 100%. Kể từ đấy, học sinh nhiều trường từ thành phố lớn tới tỉnh nhỏ, đều không phải lao động, dù là việc nhỏ. Giáo viên chủ nhiệm chẳng phải soạn giáo án lao động và hướng dẫn học sinh lao động nữa (4 tiết/tuần của giáo viên chủ nhiệm, trong đó có một tiết hướng dẫn lao động). Kéo theo đó, ban lao động nhà trường cũng nhàn vì chỉ tồn tại trên danh nghĩa, giấy tờ...
Phải chăng, thời nay, việc rèn luyện học sinh lao động là không cần thiết? Chúng tôi được biết, ở Nhật Bản, một đất nước hiện đại, có nền giáo dục tiên tiến, hiện nay, tất cả học sinh trường học phổ thông của họ vẫn phải tham gia lao động tại trường như lau chùi bàn ghế, cửa kính, quét dọn lớp học… Mục đích của họ rất đúng là để các em thấy được giá trị của lao động và có ý thức lao động tốt.
Tổ chức cho học sinh tự giác tham gia một cách vừa sức vào việc xây dựng đất nước qua các họat động lao động hữu ích, từ đó hình thành phẩm chất của người công dân, tạo điều kiện phát huy tính tích cực, sáng tạo. Giáo dục lao động cho học sinh trước hết nhằm hình thành ở các em thái độ đúng đắn đối với lao động: yêu lao động, kính trọng người lao động, quý trọng sản phẩm lao động. Đồng thời góp phần hình thành ở các em những cơ sở ban đầu của các kỹ năng và thói quen lao động theo khoa học sau này. Những nội dung giáo dục trên được hình thành thông qua việc tổ chức cho học sinh tham gia các hình thức lao động khác nhau.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày càng trở nên thiết yếu nhằm góp phần đào tạo "con người mới" với đầy đủ các mặt "đức, trí, thể, mỹ", "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" hay "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm"... Ngạn ngữ có câu "Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách...". Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, văn học của từng vùng... sao cho các em cảm thấy gần gũi với cuộc sống của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông. Tận dụng vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội, các họat động ngọai khóa để thu hút sự hỗ trợ của các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường giúp cho học sinh có cơ hội tham gia vào các hoạt động giáo dục thực tiễn như: Ngày chủ nhật xanh, tổ chức các cuộc thi nấu ăn, cắm hoa vào các ngày lễ…
Không nên tách rời hoạt động giáo dục với cuộc sống như các hoạt động ngọai khóa, tham quan du lịch về nguồn, làm học sinh thêm yêu đất nước, hiểu biết về các di tích lịch sử,…
Tóm lại, chúng ta phải luôn nhớ một điều: “giáo dục tức là cuộc sống”, “nhà trường là xã hội”, “lấy học sinh làm trung tâm”, học bắt đầu từ làm, nhà trường phải là nhà trường gắn bó mật thiết với cuộc sống, thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các loại hình lao động sản xuất công, nông, lâm, ngư nghiệp và lao động tự phục vụ. Lấy định hướng phát triển năng lực làm định hướng cho việc truyền thụ kiến thức. Có như vậy, trí tuệ và nhân cách của các em mới được hình thành và phát triển một cách toàn diện.
3. Nguyên tắc bảo đảm giáo dục trong tập thể
a. Nội dung nguyên tắc.
Tập thể là một cộng đồng người được liên kết với nhau bằng mục đích chung, bằng những hoat động cùng nhau nhằm thực hiện mục đích, nhờ vậy vừa mang lại lợi ích chung, vừa mang lại những lợi ích riêng trong sự thống nhất với nhau. Tập thể học sinh vừa là môi trường, vừa là phương tiện để giáo dục học sinh, trong đó học sinh được hỗ trợ, giúp đỡ để hình thành và phát triển các năng lực, hình thành những phẩm chất cần thiết của người công dân mới.
Nguyên tắc này đòi hỏi, trong quá trình dạy học, phải tổ chức, lãnh đạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa cá nhân và tập thể học sinh để cùng đạt tới mục đích chung. Như chúng ta đã biết, trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, mỗi cá nhân học sinh là một thành viên của một tập thể thống nhất. Giữa tập thể và cá nhân không có sự chống đối lẫn nhau; ngược lại, chúng thống nhất với nhau: tập thể là môi trường, là phương tiện để mỗi cá nhân phát triển toàn bộ nhân cách của mình; mỗi cá nhân đều góp phần xây dựng tập thể chung.
Trong lĩnh vực hoạt động giáo dục cũng vậy, tập thể là người đứng ra tổ chức các hoạt động giáo dục dưới hình thức tập thể và cá nhân; đồng thời chú ý động viên tinh thần, tư tưởng chung nhằm làm cho toàn bộ tập thể hoàn thành tốt đẹp mọi nhiệm vụ học tập. qua đó, đề phòng và khắt phục những lệch lạc, như lười biếng, quay cóp, “học tủ”, học tập không có phương pháp, không có kế hoạch v.v… ngược lại, mỗi cá nhân không những tự giác hoàn thành nhiệm vụ học tập mà còn góp phần tích cực vào việc tổ chức các hình thức học tập tập thể hoặc hỗ trợ cho nhau về mặt phương pháp học tập cũng như về mặt mở rộng và đào sâu tri thức…
b. Yêu cầu và biện pháp thực hiện
Để thực hiện nguyên tắc đảm bảo giáo dục trong tập thể trong hoạt động giáo dục, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Lôi cuốn mọi học sinh vào hoạt động tập thể, giáo dục, tổ chức cho các em tự giác tham gia vào các công việc của tập thể. Cần tránh hiện tượng chỉ một số học sinh tham gia còn những học sinh khác là các “quan sát viên”.
Trước hết, tập thể cần quan tâm đến việc làm cho mọi thành viên của mình ý thức được đầy đủ, sâu sắc mục đích và nhiệm vụ học tập, từ đó, xác định được động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình học tập, tập thể cần giáo dục cho các thành viên của mình tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, tinh thần tương thân, tương trợ và học tập lẫn nhau; Đồng thời tập thể cũng cần động viên nêu gương tốt một cách kịp thời.
- Xây dựng các mối quan hệ và giao lưu đúng đắn, lành mạnh, trong sáng trong tập thể như quan hệ trách nhiệm – học tập; quan hệ nhân ái và các quan hệ riêng tư. Vì khi tham gia vào tập thể các thành viên có trách nhiệm và quyền lợi như nhau, cần tránh việc kết bè phái.
Vì thế nên nhà giáo dục cần tổ chức các hoạt động giao lưu dưới nhiều hình thức như: học nhóm, thảo luận, tranh luận trong tổ học tập, hoặc trong toàn lớp, tổ chức hội nghị, trao đổi kinh nghiệm học tập, làm báo tường phản ánh tình hình học tập cũng như tình hình các mặt sinh hoạt khác trong tập thể, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ khoa học, tổ chức những cuộc thi về cải tiến phương pháp học tập hay tìm hiểu về những vấn đề khoa học, thời sự nóng bỏng của trong nước và thế giới, tổ chức cho các bạn có học lực khá – giỏi giúp đỡ các bnạ học yếu – kém v.v…Qua các hình thức trên, học sinh có thể học tập và giúp đở lẩn nhau, mở rộng và đào sâu về tri thức khoa học, kĩ năng sinh hoạt cũng như phương pháp học tập. Hay nói cách khác là có thể hình thành dần những mối quan hệ trong học tập…
- Xây dựng dư luận tập thể lành mạnh, khuyến khích nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn, đồng thời ngăn chặn lên án những hành vi sai trái làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích chung, đi ngược lại những chuẩn mực đã được thừa nhận.
Nhà giáo dục cần xây dựng tính đoàn kết, tránh việc chia bè phái, nói xấu nhau ở học sinh. Cụ thể nhà giáo dục cần đưa ra những phương châm, “slogon” phù hợp tạo tinh thần đoàn kết cho tập thể. Mặt khác, nhà giáo dục cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời những thái độ, hành vi có ý định phá hoại tập thể hoặc làm trái với quy định và mục đích mà tập thể đã đề ra. Không những thế, nhà giáo dục cần phải thường xuyên củng cố tinh thần, động viên khích lệ các thành viên trong tập thể để cùng nhau đoàn kết. Có như thế hoạt động của tập thể mới mong đạt kết quả tốt đẹp.
- Coi trọng đúng mức lợi ích của các thành viên trong sự thống nhất với lợi ích chung, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
“Một người vì mọi người, mọi người vì một người” câu nói ấy có lẽ phần nào nói lên tinh thần hợp tác trong tập thể của mỗi cá nhân, đôi khi chúng ta cần phải biết hy sinh những lợi ích của cá nhân để hòa mình cùng lợi ích chung của cả tập thể. Bởi vì đã là một tập thể thì cần phải có sự thống nhất và đoàn kết trong khi làm việc, cần phải kết hợp cả hai lợi ích đó lại sao cho hài hòa và đồng đều để đôi bên đều cảm thấy có lợi, giúp cho tập thể vững mạnh và phát triển hơn nữa. Và để thực hiện được sự hòa hợp giữa “cái tôi” với “cái ta” ấy. Nhà giáo dục trước hết phải nắm vững mục đích, tinh thần của tập thể. Sau nữa là phải hiểu được nhu cầu, sự mong đợi của học sinh. Để rồi uyển chuyển, khóe léo mà kết hợp chúng với nhau sao cho hữu hiệu nhất.
- Tuyệt đối tránh các tình trạng: cực đoan hóa lợi ích cá nhân hoặc lợi ích chung của tập thể, đối lập lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, không được chèn ép nguyện vọng chính đáng của cá nhân.
Cũng như đã nói ở trên, để thực hiện được điều này, nhà giáo dục phải là người am hiểu lợi ích của cá nhân lẫn tập thể, đồng thời phải có tính trung dung và uyển chuyển để điều phối hài hòa. Nên yêu cầu đặc biệt đối với nhà giáo dục ở điểm này là “Lắng nghe và Thấu hiểu”.
Trên đây là ba trong số bảy nguyên tắc giáo dục và mỗi nguyên tắc là một phần góp vào sự đảm bảo toàn diện cho sự thành công trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Vì lẽ đó mà muốn đạt được hiệu quả mỹ mãn trong giáo dục, nhà giáo dục phải biết tuân thủ, kết hợp khéo léo nhịp nhàng tất cả các nguyên tắc giáo dục trong đó có ba nguyên tắc trên.
Về Đầu Trang Go down
 
NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Nghĩ về giáo dục_ Nguyễn Trung
» Nguyên tắc tôn trọng người khác trong giao tiếp
» TIN BUỒN CHO LỚP TÂM LÝ GIÁO DỤC K34, CŨNG NHU KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
» Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục
» 101 câu chuyện thiền

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Tổ chức hoạt động giáo dục-
Chuyển đến