NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP

Go down 
Tác giảThông điệp
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP Empty
Bài gửiTiêu đề: ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP   ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP Icon_minitimeSat Jan 23, 2010 7:43 am

ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP
CỦA JIM BARRETT VÀ GEOFF WILLIAMS CHO
HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

TS. Trần Thị Thu Mai
Đại học Sư phạm TP. HCM

Lựa chọn nghề nghiệp là công việc khẩn thiết của học sinh trung học phổ thông. Cuộc sống tương lai phụ thuộc vào việc các em có biết lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn hay không. Đặc biệt trong thực tế ngày nay, ngành nghề phong phú hơn, khoa học – kỹ thuật có nhiều bước đột phá hơn, những yêu cầu công việc đa dạng hơn đòi hỏi phát hiện thiên hướng cá nhân của mỗi học sinh để định hướng nghề nghiệp đúng đắn hơn.
Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh tình trạng “cầu việc làm” lớn hơn rất nhiều so với “cung việc làm” và “cầu học” lớn hơn nhiều so với “cung học” đã và đang là phổ biến; cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền của học sinh, sinh viên, ... rất bất hợp lý và chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo nghề nghiệp nhìn chung là thấp. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ muốn thi vào Đại học , Cao đẳng; nhiều học sinh vẫn coi việc vào học nghề công nhân như là “bước đường cùng”. Kết quả điều tra năm 2004 cho thấy chỉ có 8,1% số học sinh trung học phổ thông được điều tra dự định thi vào các trường trung cấp hoặc đi học nghề, 6,6% dự định sau khi rời trường phổ thông sẽ tìm việc đi làm ngay; 85,3% số còn lại muốn thi vào Đại học hoặc Cao đẳng, trong đó đa số muốn chờ năm sau thi lại nếu không đỗ. Một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng của tình trạng trên là học sinh phổ thông chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chưa được tư vấn chọn nghề một cách phù hợp và có căn cứ [5].
Nhiệm vụ của tư vấn nghề trong nhà trường phổ thông không chỉ là chẩn đoán những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết hiện có ở học sinh mà còn làm sáng tỏ mức độ sẵn sàng về tâm lý và thực tiễn của học sinh đối với nghề nghiệp mà các em định chọn cũng như kích thích các em tự giáo dục, rèn luyện và phát triển những phẩm chất còn thiếu của bản thân. Nhiệm vụ trên của tư vấn nghề trong nhà trường phổ thông có thể thực hiện được thông qua trắc nghiệm hướng nghiệp, đó là loại trắc nghiệm xác định những đặc điểm của mỗi cá nhân và phân tích được sự tương hợp của những đặc điểm đó với những yêu cầu của nghề. Từ đó cho lời khuyên cá nhân nên đi học nghề nào, làm nghề nào thì tốt hơn và không nên học, hành nghề nào, vì sao.
Trắc nghiệm hướng nghiệp thường được sử dụng trong công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên và tuyển chọn về mặt tâm lý trong tuyển chọn nghề. Trắc nghiệm hướng nghiệp dùng để xác định mức độ phù hợp của những đặc điểm tâm lý cá nhân với yêu cầu học, hành nghề. Hiện nay nó là một trong những công cụ quan trọng trong định hướng nghề nghiệp ở các quốc gia phát triển trên thế giới và khu vực. Vì vậy, ứng dụng trắc nghiệm hướng nghiệp vào định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là một trong những căn cứ vững chắc để tư vấn nghề nghiệp cho các em hiện nay.
Với mục đích cải biên và định chuẩn bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams và đánh giá kết quả lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông bằng trắc nghiệm hướng nghiệp này. Nghiên cứu đã được thực hiên trên mẫu 420 thí sinh: Nam - 175 (41.7%), Nữ - 245 (58.3%) đã dự thi và trúng tuyển vào các trường Đại học Bách khoa TP. HCM và Đại học Sư phạm TP. HCM năm 2005 qua 2 giai đoạn [2]:
Giai đoạn 1: Từ 05/2005 đến 10/2005:
Mục đích: Cải biên và định chuẩn bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams. Từ đó tìm các thông số của các trắc nghiệm: hệ số tin cậy, độ khó, độ phân cách.
Dụng cụ đo lường: Dụng cụ đo lường là bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams gồm có 7 bài trắc nghiệm hướng nghiệp sau:
1. Trắc nghiệm khả năng lý luận ngôn ngữ:
Bài trắc nghiệm đo lường khả năng lý luận bằng ngôn ngữ gồm có 42 câu hỏi trắc nghiệm 04 lựa chọn. Nội dung chính của các câu hỏi đo khả năng hiểu nghĩa của từ, tìm từ đồng nghĩa , tìm từ khác nghĩa, so sánh các từ ngữ và tìm nguồn gốc của từ ngữ.
2. Trắc nghiệm khả năng lý luận số học:
Bài trắc nghiệm đo lường khả năng lý luận số học gồm có 21 dãy số, mỗi dãy số có 5 chữ số được sắp xếp theo một trật tự lô gic nhất định. Người làm trắc nghiệm phải tìm chữ số tiếp theo của trật tự dãy số.
3. Trắc nghiệm kỹ năng chính xác:
Trong bài trắc nghiệm có hai phần trắc nghiệm: kỹ năng chính xác về tính toán và kỹ năng chính xác về ngôn ngữ. Trắc nghiệm kỹ năng chính xác về tính toán gồm 35 phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Trắc nghiệm kỹ năng chính xác về ngôn ngữ gồm có 70 hàng từ, mỗi hàng từ có 3 từ, người làm trắc nghiệm phải tìm xem từ nào phải đứng trước những từ khác trong thứ tự A, B, C (alphabetical order).
4. Trắc nghiệm khả năng suy luận không gian:
Trắc nghiệm này khám phá khả năng có thể nhận biết và vận dụng các hình dáng và hình ảnh trong không gian ở mức độ nào. Bài trắc nghiệm gồm có 75 câu hỏi với hai loại bài trắc nghiệm:
- Loại 1: Xác định mô hình được tạo ra từ các sơ đồ.
- Loại 2: Xác định phần còn lại (hiệu số) của hai hình.
5. Trắc nghiệm khả năng suy luận cơ khí:
Trắc nghiệm này để tìm hiểu khả năng “nhạy cảm” với sự vật cơ khí và kỹ thuật. Bài trắc nghiệm gồm có 33 câu khám phá khả năng có thấy dễ dàng hiểu sự vật hoạt động và vận hành ở người làm trắc nghiệm hay không .

6. Trắc nghiệm khả năng suy luận hình tượng:
Bài trắc nghiệm xem xét khả năng người làm trắc nghiệm có thể suy luận bằng ký hiệu và hình dáng ở mức độ nào. Bài trắc nghiệm gồm có 35 câu hỏi với năm loại câu hỏi về suy luận ký hiệu và hình dáng.
7. Trắc nghiệm khả năng phân tích:
Bài trắc nghiệm này xem xét cách mà người làm trắc nghiệm phân tích thông tin và đưa ra những kết luận logíc. Bài trắc nghiệm gồm có 31 câu hỏi với hai loại câu hỏi:
- Loại 1: Người làm trắc nghiệm được cho những thông tin và được yêu cầu trả lời cho câu hỏi đó.
- Loại 2: Từ một lời phát biểu in đậm và bốn dữ kiện, người làm trắc nghiệm phải chọn hai dữ kiện cần thiết để tạo nên lời phát biểu đúng .
Thông số của bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams về hệ số tin cậy, độ khó, độ phân cách như sau:
1. Trắc nghiệm khả năng lý luận ngôn ngư:
- Hệ số tin cậy: 0,388
- Độ khó: những câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu là15/42 câu (chiếm 35,71%).
- Độ phân cách: khả năng lý luận ngôn ngữ của nhóm khách thể nghiên cứu là đồng đều.
2. Trắc nghiệm khả năng lý luận số học:
- Hệ số tin cậy: 0,6135
- Độ khó: những câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu là C15, C20.
- Độ phân cách: 20/21 (95,2%) câu trắc nghiệm phân biệt được khả năng lý luận số học của nhóm khách thể nghiên cứu.
3. Trắc nghiệm kỹ năng chính xác:
Trong phần trắc nghiệm có hai trắc nghiệm: kỹ năng chính xác về tính toán và kỹ năng chính xác về ngôn ngữ. Do các bài toán đo về kỹ năng chính xác về tính toán khá đơn giản so với trình độ của thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông nên kết quả đạt được gần như tuyệt đối. Vì thế, nhóm nghiên cứu chỉ phân tích trắc nghiệm kỹ năng chính xác về ngôn ngữ.
- Hệ số tin cậy: 0,917
- Độ khó: chỉ có câu 40 là câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu.
- Độ phân cách: 65/70 (92,85%) câu hỏi đều có độ phân cách câu tốt.
4. Trắc nghiệm khả năng suy luận không gian:
- Hệ số tin cậy: 0,8001
- Độ khó: 14/75(18,66%) câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu.
- Độ phân cách: 22/75 (29,33%) câu trắc nghiệm phân biệt được khả năng lý luận số học của nhóm khách thể nghiên cứu.

5. Trắc nghiệm khả năng suy luận cơ khí:
- Hệ số tin cậy: 0,6954
- Độ khó: 22/33 (66,66%) câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu.
- Độ phân cách: 19/33 (57,57%) câu trắc nghiệm phân biệt được khả năng suy luận cơ khí của nhóm khách thể nghiên cứu.
6. Trắc nghiệm khả năng suy luận hình tượng:
- Hệ số tin cậy: 0,6723
- Độ khó: 13/35 (37,14%) câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu.
- Độ phân cách : 23/35 (65,71%) câu trắc nghiệm phân biệt được khả năng suy luận hình tượng của nhóm khách thể nghiên cứu.
7. Trac nghiệm khả năng phân tích:
- Hệ số tin cậy: 0,843
- Độ khó: 16/31 (51,61%) câu khó so với khả năng của nhóm khách thể nghiên cứu.
- Độ phân cách : 23/31 (74,19%) câu trắc nghiệm phân biệt được khả năng phân tích của nhóm khách thể nghiên cứu.

 Kết quả nghiên cứu trên cho thấy: Các bài trắc nghiệm đều có hệ số tin cậy cao, thông số về độ khó và độ phân cách của câu trong các trắc nghiệm tốt nhưng có sự dao động do có nhiều loại thí sinh dự thi vào các khối, ngành học khác nhau và mỗi khối thi, ngành học có những yêu cầu về khả năng học nghề khác nhau.

Giai đoạn 2: Từ 10/2005 đến 06/2006:
Với mục đích tìm hiểu các mức độ của các trắc nghiệm hướng nghiệp và sự tương quan giữa kết quả trắc nghiệm với các yếu tố của học tập, chúng tôi sử dụng công cụ đã được cải biên và định chuẩn ở giai đoạn 1 để tiến hành trắc nghiệm cho thí sinh theo mẫu đã trình bày ở phần trên.
Kết quả chính thu nhận được về mức độ phù hợp giữa khả năng và ngành học, khối thi, giới tính của 420 thí sinh đã trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa và Đại học Sư phạm năm 2005 như sau:
- Các mức độ đạt được của các trắc nghiệm phản ánh đặc điểm các ngành học. Trắc nghiệm dùng để đo khả năng hoặc kỹ năng nào phù hợp với ngành học đó, thì người làm trắc nghiệm đạt được điểm cao hơn. Khi so sánh giữa giới tính, kết quả cho thấy nam đạt được điểm số của các bài trắc nghiệm ở mức cao hơn so với nữ.
- Tương quan giữa tổng điểm thi các khối với các trắc nghiệm cũng phản ánh tính đặc thù của các ngành mà thí sinh đã trúng tuyển và theo học ở Đại học.
Qua kết quả nghiên cứu trên ta có thể rút ra một số kết luận sau:
-Các thông số về độ khó và độ phân cách của câu trong các trắc nghiệm dao động do có nhiều loại sinh viên ở các khoa và mỗi loại sinh viên có những đặc thù.
- Các mức độ đạt được của các trắc nghiệm cũng phản ánh các ngành học. Trắc nghiệm dùng để đo khả năng hoặc kỹ năng nào phù hợp với ngành học đó, thì sinh viên đạt được điểm cao hơn. Khi so sánh giữa giới tính, kết quả cho thấy nam sinh viên đạt được các mức cao hơn so với nữ sinh viên.
- Tương quan giữa tổng điểm thi các khối với các trắc nghiệm cũng phản ánh tính đặc thù của các khoa.
Từ kết quả nghiên cứu nêu trên, bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams có thể sử dụng để định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Để công tác giáo dục hướng nghiệp có hiệu quả chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
 Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp từ cấp Sở đến các trường trung học phổ thông.
- Mở chuyên ngành đào tạo về tư vấn hướng nghiệp trong các trường sư phạm, cho phép thành lập phòng tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông có 1 đến 2 giáo viên có biên chế chuyên trách.
- Hàng năm có kế hoạch tập huấn cho cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp các trắc nghiệm hướng nghiệp.
 Đối với Các Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Khôi phục và tạo điều kiện cho Ban hướng nghiệp hoạt động.
- Vận động các ban, ngành, các lực lượng xã hội tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng dự báo nhu cầu sử dụng nguồn lao động trên địa bàn thành phố và vùng lân cận, nhằm định hướng nghề cho học sinh.
 Đối với Các trường phổ thông:
- Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tìm hiểu nguyện vọng, sở thích nhằm định hướng các em vào ngành nghề nơi xã hội đang cần.
- Tuyên truyền đến từng giáo viên, phụ huynh và các em học sinh hiểu biết về trắc nghiệm hướng nghiệp.
- Mời chuyên gia tư vấn hướng nghiệp về trường báo cáo các chuyên đề hướng nghiệp và tổ chức cho học sinh làm trắc nghiệm hướng nghiệp để các em tự phát hiện ra sở thích, hứng thú và khả năng nghề nghiệp của bản thân.
 Đối với Các trung tâm tư vấn:
- Sử dụng trắc nghiệm hướng nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong công tác tư vấn hướng nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trọng Bảo (1987), Nhà trường phổ thông với việc giáo dục lao động kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề, Nhà xuất bản Giáo dục.
2. Trần Thị Thu Mai (Chủ nhiệm đề tài) 2005-2006. Ứng dụng trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams vào định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Đề tài cấp Bộ, mã số : B. 2005.23.67
3. Lý Ngọc Sáng (2002), Đề xuất giải pháp tăng cường công tác tư vấn giáo dục truyền thông về hướng nghiệp; triển khai ứng dụng và hoàn thiện một số trắc nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phổ thông theo yêu cầu thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, 2001-2002.
4. Mạc Văn Trang (1993), Nghiên cứu những yêu cầu tâm lý cơ bản đối với một số nghề và phương pháp xác định những đặc điểm tâm lý cá nhân phù hợp nghề, làm cơ sở cho công tác hướng nghiệp tư vấn nghề. Viện Nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề tài cấp Bộ, mã số: B91- 38 – 06.
5. Nguyễn Đức Trí (2006), Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông- vấn đề và định hướng giải pháp, Tạp chí giáo dục số 146 (kỳ 2 – 9/2006).
6. Jim Barrett and Geoff Williams (1992), Test your own job aptitude, Penguin books USA Inc.


Tóm tắt:

ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP
CỦA JIM BARRETT VÀ GEOFF WILLIAMS
CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Trắc nghiệm hướng nghiệp thường được sử dụng trong công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên về mặt tâm lý. Trắc nghiệm hướng nghiệp dùng để xác định mức độ phù hợp của những đặc điểm tâm lý cá nhân với yêu cầu nghề nghiệp. Hiện nay nó là một trong những công cụ quan trọng trong định hướng nghề nghiệp ở các quốc gia phát triển trên thế giới và khu vực. Vì vậy, ứng dụng trắc nghiệm hướng nghiệp vào định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là một trong những căn cứ vững chắc để giáo dục nghề nghiệp cho các em hiện nay.
Bộ trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams được cải biên, định chuẩn và kết quả nghiên cứu được giới thiệu trong bài báo này.


Abstract:

ADAPTING THE JIM BARRETT AND GEOFF
WILLIAMS’S JOB APTITUDE TESTS TO HIGH
SCHOOL STUDENTS’ VOCATIONAL EDUCATION

The job aptitude tests are often used for vacational education, especially identifying psychological aptitudes. The job aptitude tests are used for determining the personal abilities required for jobs. Today, it is one of the important tools to guide young people to choose careers in the developed countries in the world and area. Therefore, applying Jim Barrett and Geoff Williams’s Job Aptitude tests to high school students’ vocational education is one of the foundations to choose careers for them. The Jim Barrett and Geoff Williams’s Job Aptitude tests are adapted and the resuls are described in this article.

 : Họ tên: Trần Thị Thu Mai
Học hàm, học vị: Giảng viên chính, Tiến sĩ
Chức vụ: Phó Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục,
Đại học Sư phạm TP. HCM
Đơn vị công tác: Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm TP. HCM
Điện thoại: CQ: 08. 8321703, DĐ: 0982970369
E-mail: tranmai@hcmup.edu.vn , tranthumai@gmail.com

TP HCM ngày 04 tháng03năm 2008
Tác giả



TS. Trần Thị Thu Mai




Về Đầu Trang Go down
 
ĐỊNH CHUẨN BỘ TRẮC NGHIỆM HƯỚNG NGHIỆP
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
»  tọa đàm "Sinh viên Tâm lý - Giáo dục và định hướng nghề nghiệp"
» Tọa đàm "Sinh viên TLGD và định hướng nghề nghiệp"
» Thông báo tọa đàm "Sinh viên Tâm lý - Giáo dục và định hướng nghề nghiệp"
» ĐÔI NÉT VỀ TRẮC NGHIỆM TÂM LÝ HỌC
» Trắc nghiệm nhân cách

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học sư phạm-
Chuyển đến