NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Rối loạn lo âu toàn thể

Go down 
Tác giảThông điệp
admin
Admin
admin


Tổng số bài gửi : 60
Join date : 14/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Rối loạn lo âu toàn thể Empty
Bài gửiTiêu đề: Rối loạn lo âu toàn thể   Rối loạn lo âu toàn thể Icon_minitimeSun Sep 13, 2009 10:33 pm

Rối loạn lo âu toàn thể là một bệnh lý rất thường gặp trong thăm khám hàng ngày tại phòng khám chuyên khoa Thần Kinh . Bài viết sau đây nhằm mục đích giới thiệu đến quý bệnh nhân những nét chính của căn bệnh thời đại này, nguyên nhân, biểu hiện lâm sàng, các tiêu chí để chẩn đoán và một số khái niệm về điều trị bằng thuốc men và tâm lý liệu pháp.

I. Tổng Quan

Sự lo âu căng thẳng đôi khi là một điều bình thường. Mọi người đều phản ứng như thế. Thật vậy, lo âu vừa phải có thể là một điều rất tốt. Lo âu giúp bạn đối phó thích hợp với những tình huống hiểm nguy thực sự, thôi thúc bạn hoàn thành công việc hàng ngày với một tinh thần trách nhiệm tuỵêt vời. Nhưng khi bạn cảm thấy lo âu thật nhiều mà không do nguyên nhân nào rõ rệt, bạn không còn khả năng tự kiểm soát được mình, lo âu làm ảnh hưởng thực sự đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn có thể đã bị rối loạn lo âu toàn thể (RLLATT). RLLATT gây lo lắng quá mức và không thực tế, vượt quá những điều cần thiết cho một tình huống cụ thể nào đó.

Sống chung với RLLATT sẽ rất khó khăn, nhưng tình trạng này có thể điều trị được. Thuốc men và tâm lý liệu pháp làm giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, bạn có thể tự mình rèn luyện được những kỹ năng để đối phó với RLLATT và tái hoà nhập với cuộc sống bình thường.

II. Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu của RLLATT thay đổi về mức độ. Các triệu chứng RLLATT bao gồm:

+ Đứng ngồi không yên; Cảm giác kích động căng thẳng; Cảm giác có cục, hòn vướng ở cổ

+ Khó tập trung; Mệt mỏi; Dễ kích thích; Mất kiên nhẫn

+ Hay đãng trí; Căng cơ

+ Rối loạn giấc ngủ ( khó dỗ giấc ngủ và giấc ngủ chập chờn)

+ Đổ mồ hôi nhiều; Cảm giác ngộp thở

+ Đau vùng dạ dày; Tiêu chảy; Nhức đầu v.v.

Khi bị RLLATT, có những lúc bạn cảm thấy bị bao vây bởi sự bồn chồn, lo lắng . Bạn lo âu căng thẳng về mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, cảm thấy lo âu căng thẳng về sự an toàn của mình và những người thân yêu, cảm giác rằng một điều gì tệ hại sắp sửa xảy ra, kể cả khi không có nguy hiểm thực sự.

RLLATT thường khởi phát lúc trẻ, triệu chứng và dấu hiệu có thể hình thành chậm hơn so với các rối loạn lo âu khác. Nhiều người RLLATT không thể nhớ lại lần cuối mà họ cảm thấy hoàn toàn thư giãn và thoải mái là lúc nào.

III. Nguyên nhân

Tương tự các rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân của RLLATT chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể liên quan đến các chất hoá học trong não thường gọi là các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) như serotonin, GABA (gamma-aminobutyric acid) và norepinephrine. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể là một sự phối hợp của những quá trình sinh học trong cơ thể, các yếu tố di truyền, của môi trường chung quanh và những tình huống trong cuộc sống.

IV. Yếu tố nguy cơ

Cùng với chứng sợ bệnh lý (phobias), các cơn hoảng loạn (panic attacks) và rối loạn ám ảnh-thôi thúc (obsessive-compulsive disorder), RLLATT là một trong những rối loạn lo âu thường gặp nhất. Nhiều bệnh nhân RLLATT cho rằng những nỗi lo âu của họ bắt đầu từ thời thơ ấu, nhưng chúng cũng vẫn có thể xảy ra ở lúc trưởng thành. Phụ nữ thường được chẩn đoán RLLATT nhiều hơn nam.

Một số yếu tố tăng nguy cơ hình thành RLLATT là:

* Tuổi thơ bất hạnh. Trẻ có tuổi thơ bất hạnh và nhiều nghịch cảnh, chứng kiến những hình ảnh gây tổn thương, có nguy cơ RLLATT cao hơn.
* Bệnh Tật. Mắc phải bệnh nặng, như ung thư chẳng hạn, có thể làm bạn lo âu. Lo âu về tương lai, về cách điều trị, về chi phí có thể vượt quá khả năng chịu đựng của mình.
* Stress. Nhiều tình huống stress dồn dập trong cuộc sống có thể khởi phát sự lo âu quá mức. Ví dụ bệnh tật đi kèm với stress bị mất việc và mất thu nhập là khởi đầu cho RLLATT.
* Nhân cách. Một số dạng nhân cách nào đó dễ sinh rối loạn lo âu. Những người không đạt được nhu cầu về tâm lý, như trường hợp không có những liên hệ gần gũi được đáp ứng đầy đủ, có thể cảm thấy kém an toàn và có nguy cơ cao RLLATT. Ngoài ra, một số rối loạn nhân cách, như rối loạn nhân cách giáp ranh (borderline personality disorder), cũng đi kèm RLLATT.
* Di truyền. Một số chứng cứ cho thấy RLLATT có yếu tố di truyền khiến nó thường gặp ở nhiều thành viên trong cùng một gia đình.

V. Khi nào cần đi khám bệnh

- Bệnh nhân RLLATT, người lớn cũng như trẻ em, thường xuyên bị đe doạ bởi những lo âu. Họ lo âu, căng thẳng vì những vấn đề từ nhỏ đến lớn như: Việc học hành; Công việc; Thành tích thể thao; Sửa chữa xe; Công việc nội trợ; Động đất; Chiến tranh; Tài chánh; Di chuyển bằng máy bay; Sức khoẻ của họ và những người khác …

- Bạn có cảm giác không thể loại bỏ được sự sợ sệt và lo lắng, ngay cả khi cố gắng thư giãn và tìm cách gỡ rối. Sự lo âu có thể kéo dài từ tháng này sang tháng kia. Bạn cảm thấy không còn tự kiểm soát được. Lo âu ảnh hưởng đến khả năng xử lý công việc hàng ngày của bạn.

- Trạng thái lo âu có thể giảm bớt, nhưng cũng có khi trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Hãy tìm sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa trước khi bệnh trở nặng, việc trị liệu sẽ dễ dàng hơn.

VI. Tầm soát và Chẩn đoán

Để giúp chẩn đoán RLLATT, các chuyên gia tâm thần học cần hoàn tất việc đánh giá toàn diện về mặt tâm lý. Họ sẽ đặt ra cho bạn nhiều câu hỏi về những trạng thái lo âu, các nỗi sợ hãi và cảm xúc bất thường của bạn. Họ tìm hiểu về những nỗi ám ảnh của bạn, nếu có, để chắc chắn rằng bạn không bị chứng rối loạn ám ảnh-thôi thúc (obsessive-compulsive disorder). Bạn sẽ trả lời vào một mẫu gồm nhiều câu hỏi về tâm lý học. Bạn sẽ được kiểm tra tổng quát để phát hiện những vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng RLLATT.

Để được chẩn đoán RLLATT, bệnh nhân cần hội đủ các tiêu chuẩn đề ra trong Sổ Tay Chẩn Đoán và Thống Kê các Rối Loạn Tâm Thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders =DSM). Sổ tay này do Hiệp Hội Tâm Thần Học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) công bố và được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các nhà giám định pháp y tâm thần, các cơ quan bảo hiểm y tế sử dụng để chẩn đoán các tình trạng bệnh lý tâm thần, và bồi hoàn chi phí điều trị.

Để chẩn đoán RLLATT, bệnh nhân cần hội đủ các tiêu chuẩn sau:

* Lo lắng và lo âu quá mức hàng ngày trong thời gian ít nhất 6 tháng
* Khó khăn trong việc kiểm soát sự lo âu
* Lo âu đi kèm với những triệu chứng đặc hiệu, như cảm giác bế tắc, khó tập trung, căng cơ và rối loạn giấc ngủ
* Lo âu gây khủng hoảng và xáo trộn nặng đến cuộc sống thường nhật.
* Lo âu không liên quan đến những tình trạng khác, như các cơn hoảng sợ (panic attacks) hoặc lạm dụng thuốc ma tuý.

VII. Biến chứng

RLLATT gây những hậu quả nặng nề hơn là chỉ đơn thuần làm bạn lo âu. Nó có thể làm cho những vấn đề sau đây trở thành trầm trọng hơn như Trầm cảm; Lạm dụng chất gây nghiện; Mất ngủ; Những vấn đề về dạ dày ruột; Nhức đầu; Nghiến răng (bruxism)

VIII. Điều Trị

Điều trị RLLATT bao gồm dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với tâm lý liệu pháp. Cần phải điều trị thử bằng nhiều loại thuốc trước khi tìm được loại phù hợp nhất cho bạn.

1. Thuốc men

Có nhiều loại thuốc để giảm bớt triệu chứng của RLLATT:

- Các thuốc chống lo âu. Benzodiazepines là những thuốc an thần có ưu điểm làm giảm bớt lo âu trong vòng 30 đến 90 phút. Nhược điểm của chúng là gây lệ thuộc thuốc nếu dùng quá vài tuần. Do đó, bác sĩ chỉ dùng thuốc này trong thời gian ngắn để giúp bạn vượt qua giai đoạn đặc biệt căng thẳng. Các thuốc thường dùng nhất gồm: alprazolam (Xanax), chlordiazepoxide (Librium), clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium) và lorazepam (Ativan). Những thuốc này có thể gây lảo đảo, choáng váng và mất phối hợp vận động. Dùng liều cao và trong thời gian dài có thể gây rối loạn trí nhớ. Không được lái xe và vận hành máy móc lớn khi đang uống thuốc.

Buspirone (BuSpar) là một loại thuốc khác thường dùng để điều trị RLLATT. Thuốc này phải mất vài tuần mới cải thiện được các triệu chứng, tuy nhiên ưu điểm của nó là không gây lệ thuộc thuốc. Tác dụng phụ thường gặp của buspirone là cảm giác lâng lâng trong một thời gian ngắn xảy ra sau khi dùng thuốc. Những tác dụng phụ ít gặp hơn là nhức đầu, buồn nôn, cảm giác bồn chồn và mất ngủ.

- Thuốc chống trầm cảm. Các thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh được xem là có vai trò trong hình thành rối loạn lo âu. Các thuốc chống trầm cảm thường dùng điều trị RLLATT gồm: fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil), imipramine (Tofranil), venlafaxine (Effexor), escitalopram (Lexapro) và duloxetine (Cymbalta).

Dù dùng thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai, bác sĩ cần điều trị thử vài thứ thuốc trước khi chọn được một loại thích hợp và ít tác dụng phụ nhất cho bạn. Bạn không được tự ý mua và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Cũng cần lưu ý rằng một số thuốc không tác dụng ngay, đặc biệt các thuốc chống trầm cảm. Cần phải mất vài tuần để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng lo âu. Tâm lý liệu pháp hoặc các kỹ năng đối phó lành mạnh (healthy coping skills) sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này.

2. Tâm lý liệu pháp

Còn gọi là điều trị qua đối thoại và tư vấn. Tâm lý liệu pháp cần được sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần qua sự lắng nghe và trao đổi.

Có bằng chứng cho thấy việc điều trị bằng phương pháp nhận thức ứng xử (cognitive behavior therapy) có thể cải thiện các triệu chứng cùa RLLATT. Điều trị bằng nhận thức ứng xử giúp bạn phân biệt giữa những niềm tin và cung cách ứng xử không lành mạnh, tiêu cực với những niềm tin đúng đắn và cung cách ứng xử tích cực. Nó dựa trên cơ sở là những ý nghĩ của bạn — chứ không phải là người khác và những tình huống — sẽ xác định cách bạn sẽ ứng xử ra sao. Ngay cả khi một tình huống bạn không mong muốn vẫn cứ tồn tại, bạn vẫn có thể thay đổi suy nghĩ của mình và ứng xử sao cho tích cực. Phương pháp điều trị nhận thức ứng xử thường được dùng trong một đợt ngắn hạn, nó nhấn mạnh đến việc học hỏi để hình thành và phát triển khả năng làm chủ tư duy và cảm xúc của bạn.

Việc điều trị RLLATT hoặc bất kỳ bệnh lý tâm thần nào khác cần phải thích ứng với từng trường hợp. Không có một chế độ điều trị kiểu mẫu nào có thể áp dụng cho toàn bộ bệnh nhân. Chủ yếu là điều trị ngoại trú, nhưng có một số trường hợp nặng cần phải nhập viện.
Về Đầu Trang Go down
https://ngoinhatraitim.forumvi.com
admin
Admin
admin


Tổng số bài gửi : 60
Join date : 14/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Rối loạn lo âu toàn thể Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Rối loạn lo âu toàn thể   Rối loạn lo âu toàn thể Icon_minitimeSun Sep 13, 2009 10:37 pm

Kỹ năng đối phó

Sống với RLLATT có thể rất khó khăn. Ngoài vấn đề lo âu, đôi khi còn phải đối mặt với sự trầm cảm. Sau cùng, RLLATT có thể ảnh hưởng đến quan hệ với bạn hữu và gia đình, đến hiệu quả công việc, và chất lượng sống. Có những phương pháp lành mạnh để đương đầu với RLLATT, ngay cả khi nó đã thành mãn tính và có mặt lâu dài trong đời sống của bạn.

Một số phương pháp để đối phó với RLLATT:

* Gia nhập một nhóm hỗ trợ về Rối loạn lo âu. Bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm, sự nhận thức, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm.
* Hành Động. Cùng làm việc với chuyên gia tâm lý của bạn để chỉ rõ những vấn đề khiến bạn lo âu và tìm cách đối mặt với nó. Ví dụ, nếu tài chánh là vấn đề bạn quan tâm, hãy làm việc để làm sao hoạch định được một bản dự toán.
* Hãy để quá khứ qua đi. Đừng quá lưu tâm về những chuyện đã qua. Hãy thay đổi những điều bạn có thể thực hiện, còn lại nên để cho mọi việc tự hoàn tất tiến trình của nó.
* Phá vỡ vòng lẩn quẩn. Khi bạn cảm thấy lo âu, hãy đi bộ nhanh (jogging) hoặc chú tâm vào một sở thích riêng (hobby) nào đó để hướng sự tập trung của bạn ra khỏi những sự việc làm bạn lo lắng.
* Hãy tự chăm sóc bản thân. Ngủ đầy đủ, ăn chế độ ăn cân đối, tập luyện và dành thời gian để thư giãn. Tránh cà phê và thuốc lá vì có thể làm triệu chứng lo âu thêm trầm trọng. Tuyệt đối không sa đà vào rượu và các loại thuốc cấm.
* Tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị. Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Hãy tái khám đúng hẹn. Sự kiên trì sẽ giúp kế hoạch điều trị của bạn tiến triển tốt.
* Hoà hợp với tập thể. Đừng để sự lo âu cách ly bạn khỏi những người thân yêu và những hoạt động bổ ích. Gần gũi những người khác mang đến cho bạn một sự chuyển hướng lành mạnh.
Tài liệu tham khảo: American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM)

BS. ĐỒNG NGỌC KHANH - BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn
Về Đầu Trang Go down
https://ngoinhatraitim.forumvi.com
 
Rối loạn lo âu toàn thể
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» rối loạn ám ảnh cưỡng chế
» Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
» Học Kiểm toán nội bộ ở đâu ?
» Đừng cầu toàn với hạnh phúc và thành công
» RỐI LOẠN ĐỊNH DẠNG GIỚI TÍNH VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TÂM BỆNH HỌC PHÁT TRIỂN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học trị liệu-
Chuyển đến